[go: up one dir, main page]
More Web Proxy on the site http://driver.im/Bước tới nội dung

Sergey Karjakin

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Sergey Karjakin
Lỗi kịch bản: Hàm “getImageLegend” không tồn tại.
TênSergey Aleksandrovich Karjakin
Quốc giaUkraina (đến 2009)
Nga (từ 2009)
Sinh12 tháng 1, 1990 (34 tuổi)
Simferopol, Xô viết Ukraina, Liên Xô
Danh hiệuĐại kiện tướng cờ vua
Elo FIDE2747 (9.2024) Hạng 17 (7.2019)
Elo cao nhất2788 (7.2011)
Thứ hạng cao nhấtHạng 4 (7.2011)

Sergey Aleksandrovich Karjakin (tiếng Ukraina: Сергій Олександрович Карякін, Serhiy Oleksandrovych Karjakin; tiếng Nga: Серге́й Алекса́ндрович Каря́кин; sinh 12 tháng 1 năm 1990) là một đại kiện tướng cờ vua người Nga gốc Ukraina. Karjakin giành ngôi á quân thế giới năm 2016. Anh vô địch thế giới cờ nhanh năm 2012, cờ chớp năm 2016 và vô địch Cúp cờ vua thế giới 2015. Ở các giải đấu lớn anh từng hai lần vô địch Giải cờ vua Na Uy (2013, 2014) và Giải cờ vua Corus năm 2009.

Từng là một thần đồng cờ vua, Karjakin giữ kỷ lục đại kiện tướng trẻ nhất thế giới, lúc 12 tuổi 7 tháng vào năm 2002. Kỷ lục này tồn tại 19 năm đến tháng 6 năm 2021.

Sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Thuở ban đầu

[sửa | sửa mã nguồn]

Karjakin sớm có những thành công. Năm 10 tuổi cậu vô địch châu Âu lứa tuổi không quá 10 (U10). Năm 2001 khi 11 tuổi cậu vô địch thế giới lứa tuổi U12. Ở giải đấu này cậu đạt 8,5 điểm, xếp trên những đối thủ trở thành kỳ thủ hàng đầu thế giới sau này như Vachier-Lagrave, Andreikin hay Nepomniachtchi[1]. Năm 11 tuổi cậu đạt được danh hiệu kiện tướng quốc tế.

Đại kiện tướng trẻ nhất trong lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Karjakin đạt được chuẩn đại kiện tướng đầu tiên tại Giải cờ vua Aeroflot năm 2002. Đến tháng 5 năm 2002, Karjakin đạt chuẩn thứ hai khi đồng vô địch giải Alushta ở Ukraina. Ngày 20 tháng 8 năm 2002, Karjakin hoàn thành chuẩn thứ ba tại một giải cờ ở Sudak. Elo của anh lúc đó đã đạt 2523, tức thỏa điều kiện trên 2500 nên anh trở thành đại kiện tướng trẻ nhất thế giới trong lịch sử ở độ tuổi 12 tuổi 7 tháng[2]. Kỷ lục này tồn tại 19 năm đến khi Abhimanyu Mishra trở thành đại kiện tướng ở độ tuổi 12 tuổi 4 tháng vào năm 2021[3].

Tranh ngôi vô địch thế giới

[sửa | sửa mã nguồn]

Lần đầu tiên Karjakin tham dự một Giải đấu Ứng viên là năm 2014, với tư cách về nhì chuỗi Grand Prix 2012-13. Tại giải đấu này anh đạt 7,5 điểm / 14 ván (+3 =9 –2), xếp hạng nhì sau Anand[4].

Karjakin tiếp tục lọt vào Giải đấu Ứng viên cho trận tranh ngôi năm 2016. Lần này với tư cách nhà vô địch Cúp cờ vua thế giới 2015. Anh vô địch giải đấu với 8,5/14 điểm (+4 =9 –1), trở thành nhà thách đấu vua cờ hiện tại Carlsen[5].

Trong trận tranh ngôi vua cờ tháng 11 năm 2016, Karjakin hòa Carlsen 7 ván đầu tiên và thắng ván 8, dẫn điểm 4½–3½[6]. Tuy nhiên đến ván 10 Carlsen thắng lại và cân bằng tỉ số 5–5[7]. Trận đấu 12 ván hòa 6–6 và phải thi đấu cờ nhanh để phân thắng bại. Thi đấu 4 ván cờ nhanh, Karjakin thua 1–3 và Carlsen tiếp tục giữ ngôi vua cờ.

Với việc là á quân năm 2016, Karjakin có suất dự Giải đấu Ứng viên 2018. Ở giải đấu này anh xếp hạng ba, kém nhà vô đich Caruana 1 điểm.

Năm 2021, sau khi lọt vào chung kết Cúp cờ vua thế giới 2021, Karjakin giành quyền tham dự Giải đấu Ứng viên 2022[8]. Tuy nhiên ở lần thứ hai chơi chung kết Cúp thế giới, anh chỉ giành ngôi á quân sau khi thua Duda 0,5–1,5[9].

Các giải đấu quốc tế

[sửa | sửa mã nguồn]

Giải cờ vua Tata Steel, Karjakin từng 10 lần được mời tham dự bảng đấu cao nhất[10]. Thành tích tốt nhất của anh là chức vô địch năm 2009, khi giải còn mang tên Corus. Anh đạt 8/13 điểm (+5=6–2), hơn nhóm thứ hai nửa điểm[11]. Ngoài ra anh còn giành hạng nhì năm 2014 và hạng ba năm 2013[10].

Tháng 5 năm 2013, Karjakin vô địch Giải cờ vua Na Uy lần đầu tiên được tổ chức, với 6½/9 điểm (+6=1−2), hơn Carlsen nửa điểm[12]. Năm 2014 anh bảo vệ được chức vô địch giải này với 6/9 điểm (+4=4–1), tiếp tục hơn Carlsen nửa điểm[13].

Karjakin nhiều lần tham dự Giải cờ vua Shamkir. Thành tích tốt nhất của anh là đồng hạng nhì năm 2019.[14]

Trong hệ thống giải Grand Chess Tour, Karjakin được mời tham dự 3 lần vào các năm 2017, 2018 và 2019. Thành tích tốt nhất của anh là hạng 5 chung cuộc năm 2019.

Các giải đấu nhanh chớp

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2012 Karjakin vô địch cờ nhanh thế giới ở Astana. Đây là giải cờ nhanh thế giới đầu tiên do FIDE chính thức tổ chức. Giải chỉ gồm 16 kỳ thủ đấu vòng tròn gồm 10 kỳ thủ mời, 3 kỳ thủ qua vòng loại và 3 kỳ thủ đặc cách. Karjakin vô địch với 11,5 điểm (+10 -2 =3), hơn á quân Carlsen 1 điểm.[15]

Năm 2016 Karjakin vô địch cờ chớp thế giới. Sau 21 vòng đấu, anh cùng Carlsen đạt 16,5 điểm nhưng giành ngôi vô địch nhờ hơn hệ số phụ.[16] Năm 2017, Karjakin một lần nữa đứng trên podium Giải vô địch cờ chớp thế giới khi về hạng nhì, sau Carlsen. Ở giải này anh đạt 14,5/21 điểm (+10–2=9), kém Carlsen 1,5 điểm, đồng điểm với Anand nhưng xếp trên do hơn hệ số phụ.[17]

Các giải đấu đồng đội

[sửa | sửa mã nguồn]

Karjakin khoác áo Ukraina tại Olympiad cờ vua từ năm 2004, khi mới 14 tuổi. Ngay lần tham dự đầu tiên, Karjakin đã có được huy chương vàng đồng đội và huy chương vàng cá nhân bàn dự bị 2, với thành tích 7 ván bất bại (+6=1), hiệu suất thi đấu (Rp) lên đến 2929. Sau 3 lần tham dự Olympiad với Ukraina, anh chuyển sang Nga. Kể từ đó, anh đã 5 lần khoác áo Nga tham dự Olympiad. Với Nga, Karjakin có thêm hai huy chương bạc và hai huy chương đồng đồng đội, một huy chương vàng cá nhân bàn 2 năm 2010, bất bại sau 10 ván (+6=4) với Rp 2859 và một huy chương đồng cá nhân. Là một kỳ thủ có lối đánh chắc chắn, anh có tỉ lệ thua ở Olympiad thấp, tính đến sau năm 2018 chỉ 4/76 ván đã thi đấu.[18]

Anh cũng đã giành huy chương vàng đồng đội với Nga tại Giải vô địch cờ vua đồng đội thế giới vào năm 2013 và 2019.[19][20]

Đời tư

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 7 năm 2009, khi mới 19 tuổi, Karjakin cưới kiện tướng nữ Kateryna Dolzhikova[21]. Tuy nhiên hai người chia tay chỉ sau hai năm rưỡi chung sống.

Tháng 5 năm 2014, Karjakin lấy vợ lần thứ hai. Vợ anh là Galiya Kamalova, thư ký liên đoàn cờ vua Moskva[22]. Hai người có hai con trai vào cuối năm 2015 và 2017.[23]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Mark Crowther (5 tháng 11 năm 2001). “World Youth Championships (Kết quả Giải cờ vua trẻ thế giới 2001)”. The Week in Chess. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2021. (tiếng Anh)
  2. ^ “Record-breaking mini-grandmaster? (Kỷ lục đại kiện tướng trẻ nhất bị phá vỡ?)”. ChessBase. 16 tháng 5 năm 2002. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2016. (tiếng Anh)
  3. ^ Peter Doggers (4 tháng 7 năm 2021). “Abhimanyu Mishra Becomes Youngest Grandmaster In Chess History (Abhimanyu Mishra trở thành đại kiện tướng trẻ nhất lịch sử cờ vua)”. chess.com. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2021. (tiếng Anh)
  4. ^ Alejandro Ramirez (30 tháng 3 năm 2014). “Candidates Final: Karjakin grabs second (Chung cuộc Candidates: Karjakin giành ngôi nhì)”. ChessBase. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2016. (tiếng Anh)
  5. ^ Peter Doggers (28 tháng 3 năm 2016). “Karjakin Wins Candidates' Tournament, Qualifies For World Title Match (Karjakin vô địch giải chọn nhà thách đấu, vào đánh trận tranh ngôi vua cờ)”. chess.com. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2016. (tiếng Anh)
  6. ^ Dylan Loeb McClain (22 tháng 11 năm 2016). “World Ch., Game 8: Karjakin Wins and Seizes Lead (Ván 8 trận tranh ngôi: Karjakin thắng và dẫn trước)”. worldchess.com. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2016. (tiếng Anh)
  7. ^ Dylan Loeb McClain (25 tháng 11 năm 2016). “World Ch., Game 10: Magnus Carlsen Strikes Back, Evens the Score (Ván 10 trận tranh ngôi: Magnus Carlsen phản công, cân bằng tỉ số)”. worldchess.com. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2016. (tiếng Anh)
  8. ^ Peter Doggers (3 tháng 8 năm 2021). “FIDE World Cup R7.2: Kosteniuk Wins Women's Cup, Karjakin Reaches Final (Cúp cờ vua thế giới: Kosteniuk vô địch giải nữ, Karjakin vào chung kết)”. chess.com. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2021. (tiếng Anh)
  9. ^ “Jan-Krzysztof Duda wins 2021 World Cup (Jan-Krzysztof Duda vô địch Cúp cờ vua thế giới 2021)”. FIDE. 5 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2021. (tiếng Anh)
  10. ^ a b “All-time Grandmasters - Biography of Karjakin, Sergey (Thành tích của Sergey Karjakin tại Giải cờ vua Tata)”. Giải cờ vua Tata. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2021. (tiếng Anh)
  11. ^ Mark Crowther (2 tháng 2 năm 2009). “71st Corus Chess tournament (Giải cờ vua Corus lần thứ 71)”. The Week in Chess. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2021. (tiếng Anh)
  12. ^ Mark Lewis (18 tháng 5 năm 2013). “Russia's Karjakin wins Norway chess tournament (Kỳ thủ Nga Karjakin vô địch Giải cờ vua Na Uy)”. The San Diego Union-Tribune. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2021. (tiếng Anh)
  13. ^ “Arkiv 2014 (Giải cờ vua Na Uy - Lưu trữ 2014)”. Giải cờ vua Na Uy. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2021. (tiếng Anh)
  14. ^ Mark Crowther (9 tháng 4 năm 2019). “6th Vugar Gashimov Memorial 2019 (Giải cờ vua Tưởng niệm Vugar Gashimov lần 6 năm 2019)”. The Week in Chess. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2021. (tiếng Anh)
  15. ^ “World Rapid Championship (2012) (Giải vô địch cờ nhanh thế giới 2012)”. Chessgames. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2021. (tiếng Anh)
  16. ^ Colin McGourty (31 tháng 12 năm 2016). “Doha Blitz, Day 2: Karjakin ends 2016 as champ (Cờ chớp ở Doha, ngày 2: Karjakin kết thúc năm 2016 với danh hiệu vô địch)”. chess24. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2021. (tiếng Anh)
  17. ^ “King Salman World Blitz Championship 2017 Open (Kết quả Giải vô địch cờ chớp thế giới King Salman năm 2017 bảng mở)”. Chess-Results. 30 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2021. (tiếng Anh)
  18. ^ “Men's chess Olympiads - Karjakin, Sergei (Thành tích của Karjakin tại các Olympiad cờ vua)”. OlimpBase. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2021. (tiếng Anh)
  19. ^ “World Men's Team Chess Championship - Karjakin, Sergei (Thành tích của Karjakin tại các Giải vô địch cờ vua đồng đội thế giới)”. OlimpBase. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2021. (tiếng Anh)
  20. ^ “FIDE World Team Championship 2019 (Danh sách đội với kết quả thi đấu tại Giải vô địch cờ vua đồng đội thế giới 2019)”. Chess-Results. 14 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2021.
  21. ^ “Sergey and Kateryna tie the knot (Sergey và Kateryna lấy nhau)”. ChessBase. 5 tháng 8 năm 2009. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2016. (tiếng Anh)
  22. ^ “Sergey and Galia. A Chess Wedding (Sergey và Galia. Một đám cưới cờ vua)”. chess-news.ru. 18 tháng 5 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2016. (tiếng Anh)
  23. ^ “Второй сын родился в семье российского шахматиста Сергея Карякина”. rsport.ria.ru. 31 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2021.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]