[go: up one dir, main page]
More Web Proxy on the site http://driver.im/

Văn Cao

nhạc sĩ Việt Nam

Văn Cao (tên khai sinh là Nguyễn Văn Cao, 15 tháng 11 năm 1923 – 10 tháng 7 năm 1995) là một nhạc sĩ, họa sĩ,[3][4][5] nhà thơ,[6][7][8][9] chiến sĩ biệt động ái quốc[1][10][11][12] người Việt Nam. Ông là tác giả của ca khúc Tiến quân ca, quốc ca chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau đó là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông cũng là một trong những nhạc sĩ có sức ảnh hưởng lớn nhất của nền Tân nhạc Việt Nam. Ông được giới chuyên môn và công chúng yêu nhạc đánh giá một cách rộng rãi là một trong ba nhạc sĩ nổi bật nhất của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam trong thế kỷ XX, cùng với Phạm Duy

Văn Cao
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Nguyễn Văn Cao
Ngày sinh
(1923-11-15)15 tháng 11 năm 1923
Nơi sinh
Hải Phòng, Bắc Kỳ, Liên bang Đông Dương
Mất
Ngày mất
10 tháng 7 năm 1995(1995-07-10) (71 tuổi)
Nơi mất
Hà Nội, Việt Nam
Giới tínhnam
Quốc tịch Việt Nam
Dân tộcKinh
Nghề nghiệpNhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ, chiến sĩ biệt động cách mạng[1]
Gia đình
Vợ
Nghiêm Thúy Băng
Con cái
năm con (3 con trai, con cả là Văn Thao)
Khen thưởngHuân chương Hồ Chí Minh Huân chương Hồ Chí Minh
Huân chương Kháng chiến Huân chương Kháng chiến hạng Nhất
Huân chương Độc lập Huân chương Độc lập hạng Nhất
Huân chương Độc lập Huân chương Độc lập hạng Ba
Sự nghiệp âm nhạc
Dòng nhạc
Tác phẩmTiến quân ca
Buồn tàn thu
Trường ca Sông Lô
Làng tôi
Tiến về Hà Nội
Sự nghiệp văn học
Thể loạiThơ hiện đại Việt Nam
Tác phẩmNhững người trên cửa biển (trường ca thơ), (tập thơ), Một đêm đàn lạnh trên sông Huế (bài thơ), Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc (bài thơ)
Sự nghiệp hội họa
Đào tạoTrường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương
Thể loạiMỹ thuật hiện đại Việt Nam
Giải thưởng
Giải thưởng Hồ Chí Minh 1996
Văn học nghệ thuật
Ảnh hưởng tới

Thuộc thế hệ nhạc sĩ Tân nhạc tiên phong, Văn Cao tham gia nhóm Đồng Vọng, sáng tác các ca khúc trữ tình lãng mạn, đáng chú ý nhất là Bến xuân, Suối mơ, Thiên Thai Trương Chi. Ông nhanh chóng trở thành một trong những gương mặt tiên phong, nổi bật nhất của trào lưu lãng mạn trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là để lại những dấu ấn mang tính khai phá của ông trong tân nhạc Việt. Sau khi gia nhập Việt Minh, Văn Cao chủ yếu viết về nhiều ca khúc mang âm hưởng hào hùng như Tiến quân ca, Trường ca Sông Lô, Tiến về Hà Nội... vì vậy ông đã trở thành một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc kháng chiến.

Được nhiều người xem là một hình mẫu thiên tài trong lịch sử văn nghệ Việt Nam,[1][13][14] tài năng nghệ thuật đa dạng mang tính tổng hợp cao giữa văn chương (thi ca) - âm nhạc - hội họa của Văn Cao đã sớm có những thành tựu đột khởi ngay từ độ tuổi mười tám đôi mươi.[15][16][17] Không được đào tạo một cách thực sự chính quy, chuyên sâu cả về âm nhạchội họa, những thành tựu của Văn Cao trong hai lĩnh vực này có thể nói là bắt nguồn chủ yếu từ thiên năng nghệ thuật sẵn có của ông (nói theo lời của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha thì "Văn Cao là trời cho"). Ông được nhiều người xem là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử phát triển của văn hóa Việt Nam – ở nơi "dòng chảy" của sáng tạo cá nhân một con người có sự "hợp lưu" xuyên suốt của ba nhánh nhạc-họa-thơ trong gần như toàn bộ những sáng tác đa dạng của ông. Nhận định về sự nghiệp văn nghệ của Văn Cao, nhiều người thường nhắc đến ông như một nghệ sĩ đa tài, thích "lãng du" qua những "địa hạt" (lĩnh vực) nghệ thuật khác nhau. Nhà nghiên cứu văn học sử Việt Nam hiện đại Thụy Khuê cũng lưu ý về thế giới nghệ thuật phong phú đa diện của Văn Cao, tưởng như khó gặp sự trùng lặp hay vay mượn ý tưởng lẫn nhau giữa hai địa hạt rất gần là âm nhạc và thơ ca: "Nếu nhạc của Văn Cao đưa con người vào cõi mộng, thì thơ Văn Cao xoáy vào thực tại cuộc đời: phần đời thực với Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Ngoại ô mùa đông 1946, Những người trên cửa biển và phần nội tâm sâu xé của con người mất tự do, trong các bài thơ ngắn, cô đọng và đau thương, như những giọt nước mắt không rơi ngoài tim mình như lời thơ Thanh Tâm Tuyền... Cúi xuống những lầm than của kiếp người, Văn Cao là người duy nhất để lại những hình ảnh kinh hoàng của trận đói tháng 3 năm Ất Dậu. Nếu không có Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, thì chúng ta không thể hình dung cảnh xe xác lăn trong xóm cô đầu của một Hà Nội..."[18]

Dù những sáng tác của Văn Cao (đặc biệt là về âm nhạc và thơ ca) nói chung không thực dồi dào về số lượng nhưng về mặt chất lượng chúng có ảnh hưởng mang tính định hướng và đặt nền cho sự phát triển của đời sống văn nghệ Việt Nam hiện đại. Một số ví dụ điển hình là vai trò đặc biệt quan trọng của ông trong sự định hình của thể loại tình ca, hùng ca (trong đó nổi bật là dòng nhạc cách mạng) và trường ca trong âm nhạc cũng như thể loại trường ca trong thơ hiện đại Việt Nam. Tuy nhiên những đóng góp về thơ ca và hội họa của Văn Cao vì nhiều lý do khác nhau mà ít được nhắc tới hơn rất nhiều so với những thành tựu trong âm nhạc của ông. Là một người tài hoa vào loại bậc nhất trong lịch sử văn nghệ Việt Nam, nhưng ngay từ thời còn niên thiếu ở Hải Phòng ông đã là một người có thiên hướng khép kín, trầm tư, ít bộc lộ bản thân trước đám đông. Sau biến cố Nhân văn – Giai phẩm cuối thập niên 1950, ông lại càng có xu hướng sống khép kín và cô độc hơn mặc dù luôn có gia đình (đặc biệt là vợ ông) và một số bạn văn nghệ thân quen làm chỗ dựa cho đến những năm cuối đời. Khác với quan niệm truyền thống xưa nay về tài tử và giai nhân, cuộc đời của Văn Cao ít có những tiếp xúc mang tính lãng mạn với phái nữ vì như ông từng bộc bạch trong một cuốn phim tài liệu về mình rằng, "Tôi là một cái người luôn luôn thất bại về tình yêu, cái thất bại này là bởi vì tôi là người không giỏi về cách tôi giao lưu với những người đàn bà, mà lại đối với những người đẹp tôi lại càng bối rối, tôi không bao giờ nói được với người ta, thì tôi bèn nói trong thơ thôi." Lê Thiếu Nhơn trong một bài viết đăng trên báo Báo Công an nhân dân có tổng kết: "Cuộc đời 72 năm của Văn Cao gắn bó trọn vẹn với Việt Nam thế kỷ 20 nhiều biến động, để lại cho thế hệ sau không ít câu hỏi không dễ trả lời. Câu hỏi rộn ràng về cống hiến nhọc nhằn, câu hỏi cồn cào về thế sự ngổn ngang, về mệnh kiếp lênh đênh. Một Văn Cao đa tài không thể che chở một Văn Cao lận đận. Một Văn Cao danh vọng không thể bênh vực một Văn Cao cay đắng. Một Văn Cao hào hoa không thể an ủi một Văn Cao cô độc. Những ngày tháng Văn Cao đã sống, cứ đổ cái bóng gầy hắt hiu và trắc ẩn vào lòng công chúng, mà những bài hát của ông không lý giải được, những bức tranh của ông cũng không lý giải được. Chỉ còn lại thơ, xoa dịu và tỏ bày giùm Văn Cao."[6]

Năm 1996, một năm sau khi mất, Văn Cao được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt trao giải đầu tiên. Ông cũng đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh.[19] Tên ông cũng được đặt cho nhiều con phố đẹp ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nam Định...

Cuộc đời

sửa

Văn Cao tên đầy đủ của ông là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15 tháng 11 năm 1923 tại phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Nguyên quán quê cha của ông ở An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Xuất thân trong một gia đình viên chức, cha của Văn Cao vốn là giám đốc nhà máy nước Hải Phòng[20]. Thuở nhỏ, Văn Cao học ở trường tiểu học Bonnal (nay là Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Hải Phòng), sau lên học trung học tại trường dòng Saint Josef, là nơi ông bắt đầu học âm nhạc. Năm 1938, khi mới 15 tuổi, vì gia đình sa sút, Văn Cao bỏ học sau khi kết thúc năm thứ hai bậc thành trung. Ông làm điện thoại viên ở sở Bưu điện tại Hải Phòng, nhưng được một tháng thì bỏ việc[21].

Cuối những năm 1930, tân nhạc Việt Nam ra đời. Ở Hải Phòng khi đó tập trung nhiều nhạc sĩ tiên phong như Đinh Nhu, Lê Thương, Hoàng Quý... Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý cùng Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ Nhuận... và bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tay là "Buồn tàn thu" vào năm 16 tuổi[20]. Cùng nhóm Đồng Vọng, Văn Cao còn sáng tác một số ca khúc hướng đạo vui tươi khác như "Gió núi", "Gò Đống Đa", "Anh em khá cầm tay". Cũng trong thời gian ở Hải Phòng, Văn Cao làm quen với Phạm Duy, khi đó là ca sĩ trong gánh hát Đức Huy. Phạm Duy chính là người đã hát "Buồn tàn thu", giúp ca khúc trở nên phổ biến. Năm 1940, Văn Cao có một chuyến đi vào miền Nam. Ở Huế, Văn Cao đã viết "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế", được coi là bài thơ đầu tay[21].

Năm 1942, nghe theo lời khuyên của Phạm Duy, Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội. Ông thuê căn gác nhỏ số 171 phố Mongrant - nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền - và theo học dự thính tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Văn Cao còn làm thơ, viết truyện đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy[22]. Năm 1943 và 1944, Văn Cao hai lần xuất hiện trong triển lãm Salon Unique tổ chức tại nhà Khai trí Tiến Đức, Hà Nội với các bức tranh sơn dầu: "Cô gái dậy thì", "Sám hối", "Nửa đêm". Đặc biệt tác phẩm "Cuộc khiêu vũ những người tự tử" ("Le Bal aux suicidés") được đánh giá cao và gây chấn động dư luận[21]. Tuy được báo chí khen ngợi, nhưng tranh của Văn Cao không bán được. Ông trải qua một thời gian dài ở Hà Nội trong thiếu thốn. Cùng bạn bè, Văn Cao thường phải đứng bán các tác phẩm của mình trên các đường phố Hà Nội, Hải Phòng.

Hoạt động cách mạng

sửa

Tham gia Việt Minh

sửa

Cuối năm 1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh mà ông đã quen biết trước đó. Vũ Quý thuyết phục ông tham gia Việt Minh, với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một hành khúc. Văn Cao đã sáng tác ca khúc đó trong nhiều ngày tại căn gác số 171 phố Mongrant (nay là phố Nguyễn Thượng Hiền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và đặt tên cho tác phẩm là "Tiến quân ca". "Tiến quân ca" được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11 năm 1944. Ngày 13 tháng 8 năm 1945, Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt "Tiến quân ca" làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[23].

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Văn Cao làm phóng viên và trình bày cho báo Lao động.

Năm 1946, Văn Cao được cử cùng Hà Đăng Ấn chuyên chở vũ khí và tiền vào mặt trận Nam Bộ. Sau đó chính thức được mời tham gia Hội Văn hoá Cứu quốc và được bầu là Ủy viên Chấp hành, Văn Cao hoạt động ở liên khu III, phụ trách tổ điều tra của công an Liên khu và viết báo Độc Lập. Đầu năm 1947, ông được cử phụ trách một bộ phận điều tra đặc biệt của công an Liên khu 10 ở biên giới phía bắc. Tại đây ông được giao nhiệm vụ kết nghĩa với vua Mèo để lập ra một phòng tuyến bảo mật chống sự tràn sang của quân Trung Hoa Quốc dân Đảng khi thua trận[20]. Ở Lào Cai, Văn Cao còn mở một quán bar để làm địa điểm theo dõi.[24] Tháng 3 năm 1948, Văn Cao được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1949, Văn Cao thôi làm báo Văn Nghệ chuyển sang phụ trách Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam. Thời kỳ này, ông tiếp tục sáng tác các ca khúc nổi tiếng khác như "Làng tôi" (1947), "Ngày mùa" (1948), "Tiến về Hà Nội" (1949)... và đặc biệt là "Trường ca Sông Lô" năm 1947.

Thành lập
sửa

Năm 1944, Văn Cao được Vũ Quý giao nhiệm vụ thành một lập đội vũ trang, nhiệm vụ của đội chủ yếu làm công tác ám sát và bảo vệ an toàn cho các đội viên tuyên truyền tại các nơi công cộng do Văn Cao làm đội trưởng với tên gọi Đội danh dự Việt Minh.

Đội danh dự Việt Minh được thành lập vào cuối tháng 12/1944 tại căn gác nhỏ của Văn Cao ở 45 phố Nguyễn Thượng Hiền.[11] Những đội viên trong đội đều do Văn Cao tuyển chọn. Đa số là những người bạn hoạt động với ông ở Hải Phòng. Văn Cao thường xuyên tổ chức những khóa huấn luyện ngắn ngày cho đồng đội của mình về võ thuật, sử dụng vũ khí và kỹ năng hóa trang... (Văn Cao học võ từ năm 9 tuổi. Thời trai trẻ ở Hải Phòng, Văn Cao đã nhiều lần lên võ đài thi đấu và biểu diễn võ thuật).

Chiến công
sửa

Đội danh dự Việt Minh của Văn Cao hoạt động rất hiệu quả ở Hà Nội và Hải Phòng. Nhiều cơ sở của Việt Minh tại Hà Nội và Hải Phòng bị lộ, nhiều cán bộ Việt Minh bị Nhật bắt đều do những người hợp tác với Nhật chỉ điểm. Để ngăn chặn tối đa những tổn thất, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ: viết thư cảnh cáo, gặp trực tiếp răn đe... Văn Cao cùng đồng đội đã khống chế, vô hiệu hóa và cảm hóa được nhiều người chỉ điểm. Trong đó, có hai vụ do chính Văn Cao thực hiện.

Vụ Võ Văn Cầm tại Hà Nội
sửa

Võ Văn Cầm cầm đầu tổ chức Thanh niên Đại Việt, có trụ sở đóng tại phố Nhà thờ. Cầm thường xuyên tập hợp cấp dưới cùng hiến binh Nhật vây bắt các cơ sở Việt Minh. Mặc dù đã bị cảnh cáo nhiều lần, nhưng Cầm vẫn tiếp tục hoạt động.

Đầu tháng 4/1945, Văn Cao được giao nhiệm vụ ám sát Võ Văn Cầm. Do tính chất quan trọng, ông Lê Trọng Nghĩa (được Xứ ủy Bắc Kỳ cử về phụ trách đảng Dân chủ) điều đồng chí Phạm Văn Mẫn (sau này là Đại tá, Cục trưởng Cục Kỹ thuật Bộ Công an) về hỗ trợ.

Võ Văn Cầm có một cô vợ bé ở chợ Mơ. Mỗi lần về thăm vợ, ông ta thường đi xe kéo, còn Ba Mai làm bảo vệ đạp xe đi cùng. Tuyến đường đi của ông ta từ trụ sở qua Hàng Trống về Bà Triệu đến Nguyễn Du rẽ lên Phố Huế rồi về chợ Mơ. Theo kế hoạch, Mẫn bám theo Cầm từ trụ sở, một đồng đội của Văn Cao là Đ.H.I đón ở góc phố Bà Triệu. Khi Cầm đi qua Đ.H.I cũng bám theo, còn Văn Cao sẽ đợi trước cửa hàng thuốc Phố Huế gần chợ Hôm.

Khi nhận được tín hiệu của Mẫn, Văn Cao sẽ tiến lên trực tiếp bắn Cầm. Mẫn và Đ.H.I có nhiệm vụ hỗ trợ và bảo vệ Văn Cao rút lui. Tuy nhiên đã xảy ra một bất ngờ mà Văn Cao không lường trước được. Đ.H.I mới được Văn Cao đưa vào hoạt động nên khi cùng Mẫn bám theo Cầm đến đầu chợ Hôm, do muốn lập công, Đ.H.I đã tự ý vượt lên rút khẩu Browning bắn Cầm khiến Mẫn không kịp trở tay. Đ.H.I bắn trượt, Cầm hoảng sợ chui xuống gầm xe. Đ.H.I đạp xe chạy. Ba Mai rút súng định đuổi theo bắn Đ.H.I nhưng Mẫn đã rút súng bắn chết Ba Mai.

Vụ Đỗ Đức Phin tại Hải Phòng
sửa

Đỗ Đức Phin nguyên là giáo viên, giỏi tiếng Nhật nên thường mở lớp dạy tiếng Nhật tại nhà. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Đỗ Đức Phin ra làm thông ngôn cho Nhật.

Cuối tháng 6/1945, được Phin chỉ điểm, Nhật tổ chức một chiến dịch truy quét các cơ sở cách mạng trong thành phố. Hàng loạt các cán bộ cách mạng bị bắt. Trần Liễn, một người bạn và là đồng đội của Văn Cao chạy thoát lên Hà Nội báo cáo tình hình ở Hải Phòng cho Văn Cao biết và đề nghị Văn Cao về Hải Phòng trừ khử Đỗ Đức Phin. Văn Cao giao nhiệm vụ cho Trần Liễn về Hải Phòng tổ chức theo dõi quy luật của Đỗ Đức Phin. Được phép của cấp trên, Văn Cao xuống Hải Phòng. Trước khi vào thành phố, Văn Cao vào một cơ sở cách mạng trong làng Do Nha, hóa trang thành một ông lão, mượn xe đạp vào thành phố.

Ông về nhà Doãn TòngLạc Viên là nơi ông vẫn thường lui tới mỗi khi về Hải Phòng. Tại đây những người bạn cũng là đồng đội của Văn Cao đều đã có mặt. Trần Liễn báo cáo cho Văn Cao về địa điểm Đỗ Đức Phin thường lui tới hàng ngày. Đó là một tiệm hút thuốc phiện tại góc phố Phan Bội Châu, gần Vườn hoa đưa người. Văn Cao lên kế hoạch hành động và phân công việc cụ thể cho từng người.

Hôm sau đến giờ hành động, Doãn Tòng lấy xe đạp đèo Văn Cao đến hết đường Cát Cụt, Văn Cao xuống xe bảo Doãn Tòng trở về. Văn Cao lách cửa vào, bình tĩnh lên gác. Đứng đầu cầu thang nhìn vào phòng, Văn Cao xác định được Đỗ Đức Phin nằm hút thuốc sát tường trên sập, mặt hướng ra cửa. Văn Cao rút khẩu Colt.45 tiến vào tuyên bố xử tử Đỗ Đức Phin và bóp cò nhưng súng bị kẹt đạn. Ông bình tĩnh giắt khẩu Colt.45 vào thắt lưng rồi móc túi áo măngtô rút khẩu Browning bắn 2 phát đạn găm vào ngực Đỗ Đức Phin. Bắn xong, Văn Cao bình tĩnh xuống gác lách cửa ra, nhảy lên xe đạp hòa vào dòng người đi ra thành phố.

Giải tán
sửa

Mấy ngày sau Quốc khánh năm 1945, theo chỉ thị của trên, Văn Cao bàn giao lại vũ khí, Đội danh dự Việt Minh giải thể. Văn Cao lại trở về với công việc làm báo.

Tham gia lực lượng Công an

sửa

Tháng 12 năm 1946, Lê Giản - Giám đốc Nha Công an Trung ương tìm gặp Văn Cao tại quán cà phê Thiên Thai ở phố Hàng Gai và đề nghị: "Tình hình Lào Cai hiện nay rất phức tạp, bọn Quốc dân đảng cấu kết với thổ phỉ chống phá chúng ta công khai, trong khi lực lượng ta lại yếu. Mình muốn cậu sang giúp ngành Công an. Cậu sẽ phụ trách Đội điều tra Công an Liên khu 10. Với kinh nghiệm hoạt động bí mật trước đây, lại có vỏ bọc là nhạc sĩ, chỉ có cậu mới đủ khả năng trong công việc khó khăn và phức tạp này".

Tháng 3 năm 1947, Văn Cao cùng vợ lên Lào Cai. Một địa điểm gần chợ Cốc Lếu được Văn Cao chọn làm cơ sở hoạt động của Đội điều tra. Văn Cao mở quán cà phê ca nhạc lấy tên là quán Biên Thùy và giao cho ông Minh - một cán bộ của ngành Công an do ông Lê Giản điều lên cộng tác giúp ông làm quản lý.

Tại đây, Văn Cao có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc và kết nghĩa với Vua Mèo Hoàng A Tưởng. Trung tuần tháng 7 năm 1947, lễ kết nghĩa được tổ chức long trọng tại dinh thự của Hoàng A Tưởng. Bên phía Văn Cao có Trần Huy Liệu - đại diện Chính phủ, cùng toàn bộ các nghệ sĩ của quán Biên Thùy tham dự. Hoàng A Tưởng và toàn thể gia đình họ hàng cùng rất đông bạn bè, quan khách. Bằng uy tín của mình, Văn Cao đã giác ngộ các thổ ty hiểu thêm về chính sách đoàn kết các dân tộc của Hồ Chủ tịch và Chính phủ. Theo lời khuyên của Văn Cao, Hoàng A Tưởng, Nông Vĩnh Xương, Vương Chí Sình, Đèo Văn Long có nhiều hành động thiết thực giúp đỡ và ủng hộ Chính phủ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến. Để động viên tinh thần, Hồ Chủ tịch gửi thư khen, mời họ lên thăm chiến khu và gặp Bác. Hồ Chủ tịch đã tặng mỗi người một thanh kiếm và giao cho Hoàng A Tưởng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Lào Cai, đồng thời cử Ngô Minh Loan làm đặc phái viên của Chính phủ trực tiếp làm việc cùng Hoàng A Tưởng.

Tháng 8 năm 1947, Văn Cao hoàn thành nhiệm vụ, Đội điều tra giải tán và bàn giao lại công việc cho ông Lê Giản. Lê Giản muốn giữ Văn Cao ở lại công tác cho ngành Công an. Văn Cao từ chối và nói: "Công việc này không thích hợp với tôi".[25]

Sự kiện Nhân Văn - Giai Phẩm

sửa

Sau hiệp định Genève 1954, Văn Cao hồi cư về Hà Nội, làm việc cho Đài Phát thanh, nhưng rất ít sáng tác. Năm 1955, ông cầm bút trở lại, viết bài cho đặc san Giai Phẩm. Tháng 2 năm 1956, bài thơ Anh có nghe không được đăng trên Giai phẩm mùa Xuân. Bài thơ này bị Xuân Diệu đánh giá là "lập lờ, ấp úng, bí hiểm, hai mặt, tuy nhiên công chúng cũng hiểu nó muốn nói gì"[26]. Văn Cao cùng các nghệ sĩ của hai tờ báo Nhân Văn và Giai Phẩm khi đó chủ trương đòi hỏi tự do văn nghệ, sáng tác. Đến tháng 12 năm 1956 thì cả hai tờ báo đều bị đình bản.

Như những nghệ sĩ khác của nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm, tuy có muộn hơn, đến tháng 7 năm 1958, Văn Cao phải đi học tập chính trị[27]. Tên tuổi của Văn Cao hầu như không còn xuất hiện trên các tạp chí văn nghệ ở Hà Nội. Những năm sau đó, Văn Cao tiếp tục bằng nhiều công việc, như viết nhạc không lời cho các truyện phim và truyện kịch, trang trí sân khấu cho các đoàn kịch, vẽ quảng cáo các báo, vẽ nhãn diêm... Các tác phẩm của ông, cũng như các ca khúc lãng mạn tiền chiến khác (trừ bài Tiến quân ca) không được trình diễn ở miền Bắc. Giai đoạn này, Văn Cao hầu như không còn sáng tác. Đến cuối năm 1975, Văn Cao viết Mùa xuân đầu tiên. Theo VnExpress "ca khúc được đăng ngay lần đầu tiên trên báo Sài Gòn Giải Phóng số mừng xuân Bính Thìn, đồng thời lập tức được dịch lời và in ở Nga"[28]. Nhưng các chương trình Việt Ngữ tại Moskva vẫn cho trình bày bài hát, và nhờ vậy Mùa xuân đầu tiên đã không bị lãng quên[29]. Văn Thao, người con trai của Văn Cao, tiết lộ tiếp rằng: "Nhưng cũng thật bất ngờ (không hiểu bằng con đường nào), trong cái năm 1976 ấy Mùa xuân đầu tiên được in ở nước Nga và được Liên Xô trả nhuận bút cho tác giả 100 Rúp. Văn Cao phải viết giấy uỷ quyền qua sứ quán để con gái ông đang học bên đó lĩnh hộ. Ông bảo con gái: "Con cứ lấy mà tiêu, ở nước mình bao lâu nay bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu."[30]

Năm 1981, Việt Nam phát động phong trào cả nước thi sáng tác quốc ca nhưng sau đó không công bố kết quả, cuộc thi cũng không được nhắc lại. Bài Tiến quân ca vẫn là quốc ca của Việt Nam. Cho đến cuối thập niên 1980, nhờ chính sách Đổi Mới của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, các tác phẩm của Văn Cao cùng những nhạc sĩ tiền chiến khác được biểu diễn trở lại.

Hoạt động nghệ thuật

sửa

Âm nhạc

sửa

So với hai nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng khác là Phạm Duy khoảng 1000 ca khúc và Trịnh Công Sơn với 600 ca khúc, Văn Cao sáng tác không nhiều. Sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao được chia làm hai mảng chính: tình ca và hùng ca. Ngoài ca khúc, ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc dành cho piano như Sông Tuyến, Biển đêm, Hàng dừa xa...Ông còn sáng tác nhạc phim như "Chị Dậu" (1980), tổ khúc giao hưởng phim Anh bộ đội cụ Hồ của Xưởng phim Quân đội Nhân dân...

Tình ca

sửa
Nhạc thời tiền chiến
sửa
 
Bìa bản nhạc Bến Xuân do nhà Tinh Hoa tái bản lần thứ ba, năm 1954

Trong giai đoạn sáng tác đầu tiên, giống như những nhạc sĩ tiền chiến khác, Văn Cao viết các nhạc phẩm trữ tình, nhưng ít ảnh hưởng bởi chủ nghĩa lãng mạn Pháp mà mang nặng âm hưởng phương Đông. Từ ca khúc đầu tay Buồn tàn thu, Văn Cao đã sử dụng ngũ cung để viết về một hình ảnh quen thuộc trong nghệ thuật châu Á: người phụ nữ đan áo ngồi chờ đợi. Sau Buồn tàn thu, ông còn viết hai ca khúc khác về mùa thu là Thu cô liêuSuối mơ. Trong đó Suối mơ vốn là một đoạn của bản Trương Chi 1 được Văn Cao phát triển thêm và cùng Phạm Duy hoàn tất[31]. Bản Trương Chi nổi tiếng sau là Trương Chi 2[32].

Bên cạnh đề tài mùa thu, Văn Cao cũng viết hai ca khúc nổi tiếng khác về mùa xuân là Cung đàn xưaBến xuân. Nhạc phẩm Bến xuân có sự tham gia của Phạm Duy, nhưng về sau Văn Cao viết lại lời mới cho ca khúc này và đặt tên Đàn chim Việt. Ngay từ những ca khúc đầu tiên, Văn Cao đã giành được thành công. Buồn tàn thu được biểu diễn trên các sân khấu hát rong và trên Đài Phát thanh Sài Gòn trong những năm 1944-1945, lúc tân nhạc còn mới phôi thai nên trở nên phổ biến. Suối mơ, Bến xuân được Phạm Duy đánh giá là cực điểm của lãng mạn tính trong ca nhạc Việt Nam[33].

Nhưng hai tình khúc của Văn Cao được đánh giá cao hơn cả là Thiên ThaiTrương Chi[33]. Bản Thiên Thai được nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế in năm 1944, Văn Cao tự nhận mình là "Người sông Ngự", ghi: "Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên Thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường Thi với hai truyện Thiên Thai và Đào Nguyên. Người sông Ngự đã lạc mất cảm xúc rồi!". Lời bài hát được đề là của Văn Cao, Hoàng Thoái và Phạm Duy cho rằng Hoàng Thoái là bí danh của Đỗ Hữu Ích, một người bạn của Văn Cao[33]. Sử dụng ngũ cung để viết về một câu chuyện cổ, Thiên Thai có tới 94 khuông nhạc, vừa mang tính trường ca, vừa mang tính nhạc cảnh. Năm 2001, khi phim Người Mỹ trầm lặng được thực hiện, Thiên Thai được sử dụng làm nhạc nền của bộ phim. Giống như Thiên Thai, Trương Chi cũng dựa trên tích chuyện cổ nhưng không phải là một truyện ca mà manh tính tự sự. Ca khúc này còn một đoạn lời nữa mà các ca sĩ thưởng không trình diễn: Từ ngày trăng mơ nước in thành thơ, Lạc loài hương thu thoáng vương đường tơ.... Hình ảnh Trương Chi trong bài hát cũng thường được so sách với hình ảnh của chính Văn Cao.

Tác phẩm Mùa xuân đầu tiên
sửa

Nhạc cách mạng

sửa

Ngay từ khi còn trong nhóm Đồng VọngHải Phòng, Văn Cao đã viết các ca khúc hướng đạo khoẻ khoắn. Cũng giống như các nhạc sĩ tiến chiến khác, Văn Cao sử dụng đề tài lịch sử để thể hiện tình ái quốc trong Gò Đống Đa, Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang... Ngoài Tiến quân ca, ông còn sáng tác các hành khúc khác như Tiến về Hà Nội, Thăng Long hành khúc ca. Tham gia Việt Minh, Văn Cao sáng tác các ca khúc Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Không quân Việt Nam...

Năm 1947, sau chiến thắng sông Lô, Văn Cao viết trường ca Sông Lô, ca khúc ghi dấu ấn trong lịch sử tân nhạc. Phạm Duy viết: "Đó là tác phẩm vĩ đại... chẳng thua bất cứ một tuyệt phẩm nào của nhạc cổ điển Tây phương... Bài này đánh dấu sự trưởng thành của Tân nhạc". Cũng theo ý kiến của Phạm Duy, Trường ca sông Lô phải là đỉnh cao nhất của nhạc kháng chiến nói riêng, của tân nhạc Việt Nam nói chung và Văn Cao là "cha đẻ" của hùng ca, trường ca Việt Nam[34].

Sau năm 1954, các ca khúc của Văn Cao, trừ Tiến quân ca, không được trình diễn ở miền Bắc. Nhưng ở miền Nam, các ca sĩ hàng đầu của Sài gòn như Thái Thanh, Khánh Ly, Hà Thành vẫn trình diễn và ghi âm nhạc phẩm của Văn Cao. Ca khúc Không quân Việt Nam được sử dụng làm bài hát chính thức của Không lực Việt Nam Cộng hòa mặc dù chưa được phép của tác giả.

Khí nhạc

sửa

Thơ ca

sửa

Thơ tiền chiến

sửa

Thơ kháng chiến (1946–1956)

sửa

Sau biến cố Nhân Văn - Giai Phẩm

sửa

Hội họa

sửa

Cùng với Thái Bá Vân, Tạ Tỵ là một trong số ít những người bạn thân quen có hiểu biết sâu về tài năng hội họa của Văn Cao. Trong hồi ký của ông, Tạ Tỵ nhắc lại quãng thời gian đầu khi Văn Cao đến với hội họa: "Văn Cao khi ở Hải Phòng, khi lên Hà Nội, mỗi lần có mặt ở thành phố, Văn Cao thường đến tìm tôi mời lại căn nhà ở trong con ngõ nhỏ đường Hàm Long để khoe tranh mới. Trong khoảng thời gian từ 42 đến 45, tôi đâu biết Văn Cao đã dấn thân vào cách mạng, hoạt động bí mật cho Mặt Trận Việt Minh. Quả thật tôi không để ý đến cách mạng và chính trị nên thường có những lập luận đối nghịch với Văn Cao về sáng tác. Văn Cao cho rằng nghệ thuật chỉ có ý nghĩa khi nó phục vụ cho số đông và một bức tranh đẹp phải truyền cảm, gây được ấn tượng tốt cho người xem tranh. Còn tôi cho rằng nghệ thuật, bất cứ ở bộ môn nào, trước hết, phải có bản sắc cũng như đặc tính của nghệ phẩm. Một bức tranh đẹp không cần sự giải thích, chỉ cần sự cảm thông giữa người xem tranh và tác phẩm (...) Nhưng tuy miệng nói vậy, chứ Văn Cao vẽ cũng mới lắm; những bản nhạc như Buồn Tàn Thu, Suối Mơ, Thiên Thai, Trương Chi, v.v... được in ra đều do Văn Cao trình bày bìa đi rất gần với trường họa lập thể, mà hồi đó chưa có một bản nhạc nào, cuốn sách nào trình bày dưới hình thức đó."[35]

Một điều không may mắn là do nhiều lý do (như trách nhiệm của những người lưu giữ và điều kiện bảo quản hạn chế trong nhiều năm chiến tranh ở Việt Nam) mà danh mục các sáng tác trong sự nghiệp hội họa của Văn Cao đã không được liệt kê chi tiết như các tác phẩm âm nhạc và thơ của ông. Bởi vậy nhiều người muốn tìm hiểu về tài năng hội họa của Văn Cao không có mấy điều kiện tiếp xúc trực tiếp với những sáng tạo hội họa của Văn Cao, và hầu như chỉ có thể căn cứ vào những ý kiến phê bình của các bạn văn nghệ đương thời của ông như Tạ TỵThái Bá Vân.

Các giọng ca thể hiện thành công

sửa

Từ giữa thế kỷ 20, các tác phẩm của ông như Làng tôi, Tiến về Hà Nội, Ngày mùa,... đã được người nghe đón nhận qua giọng ca:

Sang thế kỷ 21, các ca sĩ đã thể hiện lại những bài hát này với nhiều màu sắc mới và dễ tiếp cận người nghe hơn, đáng kể đến như các ca sĩ Đăng Dương, Vũ Thắng Lợi, Đào Tố Loan, Phạm Thu Hà, Lâm Bảo Ngọc, Hồng Nhung,...

Danh mục tác phẩm

sửa

Nhạc:

Thơ:

Hội họa:

Qua đời

sửa

Theo những người thân và bạn bè kể lại thì sức khỏe của Văn Cao suy yếu nhanh trong những năm cuối đời. Ông không còn ăn được cơm mà chuyển sang ăn bột ngũ cốc do các cơ quan nội tạng bị hư hỏng nặng. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ bỏ được thú vui uống rượu có từ thời trẻ.

Văn Cao qua đời khi đang điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội vào ngày 10 tháng 7 năm 1995. Theo các phương tiện thông tin đại chúng thì nguyên nhân của điều này là do tuổi cao và cơn bạo bệnh ung thư phổi quái ác.

Đời tư

sửa

Gia đình

sửa

Văn Cao kết hôn cùng bà Nghiêm Thúy Băng năm 1947, có với nhau 5 người con, 3 trai đầu và 2 gái.

Tính cách

sửa

Đoạn mở đầu băng nhạc Văn Cao - Giấc Mơ Một Đời Người do đạo diễn Đinh Anh Dũng thực hiện năm 1994, Văn Cao từng thẳng thắn bộc lộ tính cách rụt rè của ông trong giao tiếp với phụ nữ thời trai trẻ: "Tôi là một cái người luôn luôn thất bại về tình yêu, cái thất bại này là bởi vì tôi là người không giỏi về cách tôi giao lưu với những người đàn bà, mà lại đối với những người đẹp tôi lại càng bối rối, tôi không bao giờ nói được với người ta, thì tôi bèn nói trong thơ thôi." Những người từng tiếp xúc với Văn Cao, dù ở mức độ thân quen hay nổi tiếng khác nhau, đều có ghi nhận khá tương đồng về ông. Đó là một người thân hình gầy nhỏ, thâm trầm, thường trầm tư một mình, sâu sắc trong giao tiếp, không có xu hướng thích lớn tiếng hay lên giọng bậc trên trong những cuộc chuyện trò. Những người từng đối thoại với ông, dù quen biết hay không quen, nổi tiếng hay không nổi tiếng, đều ghi nhận ở Văn Cao khả năng đưa ra những nhận định rất kiệm lời nhưng với sự chính xác và sắc sảo của ngôn từ đến độ ít ai nghĩ tới. Họ cũng ghi nhận ở Văn Cao tính cách khiêm tốn, luôn biết lắng nghe người đối thoại và cũng ít khi nói đến những gì thuộc về thành tựu sự nghiệp cá nhân ông, trừ khi người khác muốn tìm hiểu. Người ta đôi khi vẫn lấy Phạm Duy và Văn Cao để so sánh những khác biệt đến mức tưởng như đối lập trong cá tính giữa hai con người thường được ví như đôi bạn tri kỷ hiếm có trong nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Phạm Duy vẫn là người có những đánh giá, phân tích chuyên môn uy tín, toàn diện, sâu rộng hơn bất cứ ai khác về tài năng, sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Văn Cao. Nhà nghiên cứu văn học Thụy Khuê trong tác phẩm nghiên cứu về sự kiện Nhân Văn - Giai Phẩm cũng từng nhận xét rằng "người viết hay nhất và đầy đủ nhất về Văn Cao là Phạm Duy". Điều này có được trước tiên bởi kiến thức và tầm vóc của Phạm Duy trong lịch sử tân nhạc Việt Nam, một người nổi tiếng không chỉ bởi sự nghiệp âm nhạc mà còn cả bởi lòng tự tôn bản thân. Và quan trọng nữa là mối thân tình đặc biệt giữa ông và Văn Cao từ thuở hai người còn ở độ mười tám đôi mươi. Trong hồi ký của ông, Phạm Duy mô tả về người bạn kém mình 2 tuổi như sau, "thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều. Chắc chắn là đứng đắn hơn tôi. Lúc mới gặp nhau, anh ta chưa dám mày-tao với tôi, nhưng tôi thì có cái tật thích nói văng mạng (và văng tục) từ lâu, kết cục, cu cậu cũng theo tôi mà xổ chữ nho. Nhưng Văn Cao bản tính lầm lỳ, ít nói, khi nói thì bàn tay gầy gò luôn luôn múa trước mặt người nghe. Anh ta thích hút thuốc lào từ khi còn trẻ, có lần say thuốc ngã vào tay tôi. Về sau, anh còn nghiện rượu rất nặng."[33] Ngoài Phạm Duy, những người được coi là bạn gần gũi lâu năm của Văn Cao là Hoàng Cầm, Nguyễn Tuân, Tạ Tỵ, Thái Bá Vân, Thanh Thảo, Nguyễn Thụy Kha.

Đối lập với một Văn Cao thời trai trẻ có vẻ nhút nhát, rụt rè trong giao tiếp với phụ nữ là một Văn Cao của những hành động quyết đoán trong những năm sôi động của lịch sử Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Văn Cao học võ từ năm 9 tuổi. Thời trai trẻ ở Hải Phòng, Văn Cao đã nhiều lần lên võ đài thi đấu và biểu diễn võ thuật. (...) Với Văn Cao việc phải trừ khử một người là điều ông không hề muốn. Nhưng vì nhiệm vụ cách mạng nên ông phải hành động. Ông từng viết:

Trong Văn Cao có hai con người. Con người của nghệ thuật và con người chiến sĩ cách mạng. Nhiều người muốn tìm hiểu phần con người thứ hai của ông. Nhất là những sự kiện mọi người gọi là "thành tích phi thường" ông đã làm trong thời gian phụ trách Đội trừ gian. Ông thường né tránh và ít khi nhắc đến. Có lần ông tâm sự với tôi: "... Bố đã từng giết một con người... Ông ta nhìn vào họng súng, nhìn bố với đôi mắt ngơ ngác như muốn hỏi - Sao lại giết tôi. Cho đến giờ, bố vẫn bị ám ảnh vì đôi mắt ấy..."."[11] Họa sĩ Tạ Tỵ, một người bạn văn nghệ thời trẻ của Văn Cao, cũng nhận xét về những đối lập trong tính cách của ông: "Văn Cao là mẫu người đặc biệt. Với vóc dáng nhỏ nhắn. Với nụ cười lắng chìm không thành tiếng. Với hàm răng ngắn, đều. Với đôi mắt lạnh lùng dễ sợ lúc giận dữ, và dịu hiền khi tâm hồn chìm du vào dòng suy tưởng. (...) Chưa ai nghĩ tới và tưởng tượng nổi một Văn Cao trước những đối nghịch lớn, chứa đựng cái vóc dáng khiêm nhượng ấy. Người ta có thể cho là huyền thoại khi nói về một Văn Cao vẽ giấy bạc giả để chi dùng trong khi hoạt động túng thiếu, đến lúc hành vi bị lộ, đã rút súng Colt 45 chĩa vào những người có mặt, bắt họ giữ nguyên vị trí, để mình rút lui, rồi sau ngày 19-8, mang giấy bạc thật đến hoàn lại số tiền đã trả bằng bạc giả với đôi lời xin lỗi. Cũng như ít ai biết tác giả Thiên Thai, Trương Chi ở tổ chức ám sát nội thành Hà Nội dưới thời Nhật. Bị hoàn cảnh xã hội lúc đó đẩy vào con đường nghẽn, Văn Cao phải lao tìm một lối sống đặc biệt. (...) Dù sao, Văn Cao vẫn hiện diện trong tôi với hình dáng của một tinh cầu giá lạnh, với cô đơn dằng dặc ở cuối khung trời ngăn cách."[36]

Trong giới văn nghệ sĩ Việt, Văn Cao vẫn luôn nổi tiếng là người "sành rượu" và thậm chí có người từng mô tả Văn Cao đã nâng thú uống rượu thành một thứ nghệ thuật của riêng ông, giống như cá tính độc đáo của ông trong những lĩnh vực nhạc - họa - thơ vậy. Họa sĩ, nhà văn Tạ Tỵ (Mười khuôn mặt văn nghệ, 1970) từng kể về "khiếu uống rượu" của Văn Cao: "Đầu năm 1947, nhân chuyến lên Việt Bắc cùng Phạm Duy, tôi gặp Văn Cao ở Yên Bái, trong buổi chiều nắng tàn xuân thoi thóp trên đầu núi ngọn rừng, trên nỗi điêu tàn của một thành phố bắt đầu tiêu thổ! Chúng tôi ngồi trong quán ăn giữa trời. Bữa đó, tôi chứng kiến lần thứ nhất tài uống rượu của Văn Cao. Văn Cao uống hai chai đế, da mặt cứ tái đi và thái độ vẫn ung dung hoà nhã như chưa uống giọt nào. Lúc trước, tôi đã nghe nói về tửu lượng và sức hút thuốc phiện của Văn Cao. Theo anh em, Văn Cao có thể hút sáu, bảy mươi điếu liền trong một tối và uống tối thiểu một chai "Cổ nhát" sếch. Lúc vui, tôi hỏi. Văn xác nhận: "Đúng! – "Moa" uống và hút như thế đó, nhưng không nghiện thứ nào cả. Có cũng vui, không cũng chẳng sao!".

Người con trai cả của Văn Cao là Văn Thao trong một bài viết cho Báo Công an nhân dân (2012) đã không giấu nổi sự khâm phục về "khiếu ẩm thực" của cha mình: Cha tôi cũng hay được mời đi ăn vì vậy nếu thấy có món nào ngon và lạ miệng ông đều tìm hiểu cách chế biến rồi về nhà đợi khi có điều kiện là tiến hành nấu thử cho gia đình thưởng thức trước. Có lần tôi hỏi ông: "Làm thế nào mà bố lại biết nấu nhiều món ăn ngon thế?". Trầm ngâm một lát, ông mới thủng thẳng nói: "Ai chẳng thích ăn ngon! Nhưng để nấu cho ngon thì không phải ai cũng nấu được. Một miếng thịt cho vào chảo rán lên rồi thái ra chấm nước mắm ăn sẽ không thể bằng miếng thịt được tẩm ướp với một chút muối, mì chính, tỏi và húng lìu rồi mới đem rán. Khi ăn ta chấm với nước mắm chanh ớt, tỏi và một chút hạt tiêu kèm theo vài cọng rau mùi mới thấy hết được giá trị của gia vị đã làm cho miếng thịt rán thơm ngon lên gấp bội. Vì thích ăn ngon nên những khi có điều kiện để mời bạn đến uống rượu là bố phải "lăn vào bếp". Nhìn mọi người ăn ngon miệng là bố thấy vui... Nấu ăn cũng là một nghề đầy tính nghệ thuật".[37] Qua những dòng mô tả từ chính người con trai của ông thì có thể thấy Văn Cao thực sự là một người "sành ăn uống", "sành ẩm thực". Ông không chỉ tinh tế trong cách thưởng thức (bao gồm cả cách uống rượu) mà cũng thành thạo trong cách chế biến những món ăn ông ưa thích.

Câu nói

sửa
  • Đúng là lớp trẻ bây giờ chỉ biết Văn Cao là tác giả Tiến quân ca, còn Văn Cao thế nào thì chịu. (1993)
  • Đầu đời Văn Cao đã có một Kim Tiêu, không ngờ cuối đời lại gặp một Ánh Tuyết. (lời của Văn Cao nói với ca sĩ Ánh Tuyết khi nghe Ánh Tuyết hát bài Trương Chi của ông. Theo như Ánh Tuyết thuật lại thì khi đó Văn Cao đã không cầm được nước mắt.)
  • Trương Chi là tôi đấy. (nói với ca sĩ Ánh Tuyết)[38]
  • Ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta
  • Người đi dọc biển/ Không để lại dấu chân. (trích dẫn thơ Văn Cao)
  • Một đêm đàn lạnh trên sông Huế / Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh. (từ bài thơ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, 1940)
  • Con thuyền đi qua / để lại sóng / Đoàn tàu đi qua / để lại tiếng / Đoàn người đi qua / để lại bóng / Tôi không đi qua tôi / để lại gì?
  • Giữa sự sống và sự chết / Tôi chọn sự sống / Để bảo vệ sự sống / Tôi chọn sự chết. (Chọn, 26.8.1957)
  • Có lúc / một mình một dao trong rừng / không sợ hổ. / Có lúc / ban ngày nghe lá rụng sao / hoảng hốt. / Có lúc / nước mắt không thể chảy / ra ngoài được. (Có lúc, 1963)
  • Tiếng kêu ở trong tôi / Có xót xa có cả vui mừng / Tiếng kêu của một khúc thép đỏ / Trong chậu nước (Cạn)
  • Kỉ niệm trong tôi / Rơi / như tiếng sỏi / trong lòng giếng cạn (Thời gian)
  • Tôi yêu Hải Phòng như Việt Nam nhỏ lại / Tôi yêu Việt Nam như tôi biết yêu tôi. (Những ngày báo hiệu mùa xuân)
  • Tôi không được làm trái đầu mùa / Những trái cây cao giá / Tôi, Một trái cây muộn còn sót lại cành. (Sự sống thật, 1970)
  • Những bó hoa mang tới / chúc tụng / Thành công một con người / Hàng ngày hàng ngày / Xây thành cái mồ chôn / Con người thành công ấy / Đôi khi người ta bị giết / bằng những bó hoa. (Những bó hoa, 17.3.1974)
  • Tin tất cả và hoài nghi tất cả / Chúng ta là những kẻ chài quen biển / Thấy ngọn lửa quay đầu / Biết bão táp đang trở mình trên mặt sóng (Những ngày báo hiệu mùa xuân)
  • Người ta yêu những người cố mở đường mà thất bại, yêu những người biết thất bại mà dám mở đường... Hôm nay, con đường lớn nhất của chúng ta là mở cho tất cả những giấc mơ, những khát vọng thuộc về sự sáng tạo của con người tự do phát triển bay đi xe mật về ổ. Mở cho những giấc mơ, những khát vọng tự do phát triển bao nhiêu là tập trung tất cả giấc mơ và khát vọng của con người làm thành mũi nhọn kéo lê đi phía sau cái thực tế chậm chạp. (Mấy ý nghĩ về thơ)
  • Cái mới đâu phải là những cái không sẵn có. Sự làm mới những cái sẵn có cũng là một phương pháp sáng tạo.
  • Một trong những hướng xây dựng nhân vật là đào tạo cho xã hội những người biết khai thác, khám phá, phân tích thực tế và mở đường cho tương lai. (Mấy ý nghĩ về thơ).
  • Cuộc đời và nghệ thuật của nhà thơ phải là những dòng sông lớn càng trôi càng thay đổi, càng trôi càng mở rộng.
  • Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường thi với hai truyện Thiên thai và Đào nguyên. Người sông Ngự đã lạc cảm xúc rồi. (Lời tựa cho bài Thiên Thai, 1944. Thời này Văn Cao thường tự gọi mình là "Người sông Ngự".)
  • Tương tiến Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi đi khắp chốn. (Đề tặng dưới tựa Buồn Tàn Thu, 1939)
  • Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. Và bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền. (Lời bạt cho tập nhạc "Em còn nhớ hay em đã quên", Nhà xuất bản Trẻ, TP. HCM, 1991)
  • Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người bạn già của tôi, "Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra". Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ chính là ở chỗ đó, ở chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà cả ở bên ngoài biên giới nữa. (Lời bạt cho tập nhạc "Em còn nhớ hay em đã quên", Nhà xuất bản Trẻ, TP. HCM, 1991)
  • Với bố, phải ngồi lại để viết hồi ký có nghĩa là cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của mình đã chấm hết. Để viết cho trung thực và khách quan, khi nhìn lại cả cuộc đời mình, dám nhận những sai lầm của mình trong các mối quan hệ xã hội đã khó, tự đánh giá và khẳng định được những tác phẩm của mình ở tầm cỡ nào và bảo vệ những quan điểm nghệ thuật của mình còn khó hơn. Còn viết hồi ký để đề cao mình, thanh minh cho mình, có khi dẫn đến việc nói xấu và hạ thấp vai trò của người này người khác... thì bố không làm được. Vì thế mà bố không viết hồi ký. Theo bố hãy để mọi người nghĩ, tìm hiểu và viết về bố thông qua chính những tác phẩm của mình thì khách quan hơn... Mà biết đâu con cũng sẽ là người viết cho bố? (trả lời câu hỏi của con trai cả là họa sĩ Văn Thao "Sao bố không viết hồi ký?")[39]
  • Tôi là tác giả "Quốc ca", bao nhiêu năm tôi phải giữ gìn, dù sao tên tuổi mình cũng đã gắn với một cái gì của đất nước, tuy nhỏ bé nhưng thiêng liêng. Ông cũng biết đấy, dân nhạc tài hoa thường anh nào trong đời chẳng có ba bốn cô xinh đẹp vây quanh. Còn tôi, tôi phải giữ gìn, giữ gìn vì tên tuổi mình phải trong sạch, hai nữa với gia đình, phải xứng đáng với người vợ của mình. (trong cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn học Hà Minh Đức)[40]
  • Sau triển lãm Duy nhất 1944 (Salion unique), tôi về một căn gác hẹp đầu phố Nguyễn Thượng Hiền. Ba bức tranh sơn dầu của tôi, tuy được trưng bày vào chỗ tốt nhất của phòng tranh - Nhà Khai Trí Tiến Đức - và được các báo khen ngợi nhưng cũng không bán nổi. Hy vọng về cuộc sống hội họa, tại Hà Nội không thể thực hiện được. Anh bạn nhường cho tôi căn gác ấy, là người đã xuất bản mấy bản nhạc đầu tiên của tôi, cũng không thấy nói đến việc trả tiền nhuận bút. Tôi chưa bao giờ nhận được tiền nhuận bút về các bản nhạc viết hồi đó, dù đã trình diễn nhiều lần ở các tỉnh từ bắc tới nam, tôi cũng không nhận được tiền nhuận bút về thơ và truyện ngắn. (Trích dẫn hồi ký Tại sao tôi viết "Tiến quân ca")
  • Năm ấy rét hơn mọi năm. Tôi ngủ với cả quần áo. Có đêm tôi phải đốt dần bản thảo và ký họa để sưởi. Đêm năm ấy cũng dài hơn mọi năm. Những ngày đói của tôi bắt đầu. (Trích dẫn hồi ký Tại sao tôi viết "Tiến quân ca")
  • Tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập một đội vũ trang nào. Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta trong khóa quân chính đầu tiên ấy. Và tôi biết họ đang hát như thế nào. Ở đây tôi đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ hát được. (Trích dẫn hồi ký Tại sao tôi viết "Tiến quân ca")
  • Tôi đang chờ nhận một khẩu súng và được tham gia vào đội vũ trang. Tôi đang chuẩn bị làm bài hát. Thật khó nghĩ tới nghệ thuật lúc này. Tôi đi mãi tới khi đèn các phố bật sáng. Bên một gốc cây, bóng mấy người đói khổ trần truồng, những bộ xương khô đét loang trên mặt hồ lạnh. Họ đang đun một thứ gì trong một ống sữa bò. Ngọn lửa tím sẫm bập bùng trong những hốc mắt. Có một đứa bé gái, nó khoảng lên ba, tôi ngờ như đã gặp cháu tôi. Đôi mắt nó giống như mắt mèo con. Cháu bé không có mảnh vải che thân. Nó ngồi ở xa nhìn mấy người lớn sưởi lửa. Hình như nó không phải là con cái số người đó. Hình như nó là đứa trẻ lạc, cũng không phải cháu tôi. Nó đã chết thật rồi. Có thể nó đã nằm trong đám người chết đói dọc đường Nam Định, Hải Phòng. Tôi bỗng trào nước mắt và quay đi. Đêm ấy về căn gác, tôi đã viết được nét nhạc đầu tiên của bài "Tiến quân ca". (Trích dẫn hồi ký Tại sao tôi viết "Tiến quân ca")
  • Bài hát đã làm trong thời gian không biết bao nhiêu ngày, tại căn gác hẹp số 45 Nguyễn Thượng Hiền, bên một cái cửa sổ nhìn sang căn nhà hai tầng, mấy làn cây và một màn trời xám. Ở đây thường vọng lên những tiếng xe bò chở xác người chết đói về phía Khâm Thiên. Ở đây hằng đêm, mất ngủ vì gió mùa luồn vào từng khe cửa, vì tiếng đánh chửi nhau của một gia đình anh viên chức nghèo khổ, thiếu ăn, vọng qua những khe sàn gác hở. Ở đây tôi hiểu thêm nhiều chuyện đời. (Trích dẫn hồi ký Tại sao tôi viết "Tiến quân ca")
  • ...Còn về lời ca [của "Tiến quân ca"], có người bảo tôi là tại sao có đoạn lại viết: "Thề phanh thây uống máu quân thù!" Tôi lặng người, sau đó trả lời: "Hoàn cảnh lúc đó, nếu không có 2 triệu người chết đói dần mà tôi đã từng chứng kiến khi bắt đầu sáng tác ca khúc này, tôi sẽ không viết như vậy. (...) Thôi, giờ tôi có tiếc nuối cũng chẳng thể làm gì. Dù sao Tiến quân ca cũng chẳng phải là của riêng tôi, nó đã là của một dân tộc Việt Nam độc lập kể từ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đến nay."[41]
  • Huế là một nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 40. Thơ và nhạc là điều tôi tìm nguồn từ ấy. Có lẽ lịch sử và cảnh vật của cố đô có những điều gây cảm xúc cho sáng tác. Đối với nơi đó người ta phải suy nghĩ nhiều không vì lịch sử mà về một nền văn hóa. Những người Huế sống tự hào và đầy sáng tạo. Có lẽ sự sáng tạo của người dân Huế tôi làm được âm nhạc và thơ. (trong một lá thư gửi cho Tạp chí Sông Hương, ngày 2/10/1986)
  • Tại sao tôi nói đến Thiên Thai là bởi vì một nơi một cõi nào đó người ta coi như đất hứa mà cái đất hứa ấy thì không ai tìm được trên cái cõi thế gian này, đi tìm mãi trong những cái hoài niệm của mình tuổi thanh niên thì nhớ ra rằng có lần tìm ra được. (Trong phim tài liệu ca nhạc Văn Cao - Giấc mơ một đời người của đạo diễn Đinh Anh Dũng, 1992)
  • Tôi là một cái người luôn luôn thất bại về tình yêu, cái thất bại này là bởi vì tôi là người không giỏi về cách tôi giao lưu với những người đàn bà, mà lại đối với những người đẹp tôi lại càng bối rối, tôi không bao giờ nói được với người ta, thì tôi bèn nói trong thơ thôi. (Trong phim tài liệu ca nhạc Văn Cao - Giấc mơ một đời người của đạo diễn Đinh Anh Dũng, 1992)
  • ...Có người nói thẳng tới cái vô cùng tận của trời xanh; có người nói cái vô cùng tận của trời xanh qua cái rộng của biển. Cũng có người thấy trời xanh vô cùng tận trong bát nước và cũng có người chỉ nói tới một giọt ánh sáng để thấy cái vô cùng tận của trời xanh. Có người cần phải tìm con đường lớn mới thấy dấu xe mà có người tìm thấy dấu xe trong hạt bụi. (Tuyển tập thơ, Nhà xuất bản Văn học, 1994)
  • Mình rất cần tiền mà cũng vô cùng chán tiền. (nói với Phùng Quán, trích dẫn trong sách Ba phút sự thật của Phùng Quán, NXB Văn Nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2006)

Dấu ấn và di sản văn nghệ

sửa

Trong lĩnh vực âm nhạc, Văn Cao là người có công khai phá và giúp hoàn thiện một số thể loại của tân nhạc Việt Nam như nhạc trữ tình (nhạc tiền chiến),[42] hùng ca (nhạc cách mạng, nhạc kháng chiến),[43]trường ca.[44] Trong lĩnh vực thi ca, ông cũng là một trong ít người không ngừng đi tiên phong với những cách tân mang tính đột phá-sáng tạo trong thơ Việt Nam hiện đại.[45][46][47] Đã có những quan điểm chuyên môn xem ông là một trong những người đi khai phá, mở đầu cho sự phát triển của thể loại trường ca thơ hiện đại Việt Nam, đặc biệt kể từ nửa cuối thập niên 1950 trở đi.[48][49][50][51][52] Tuy nhiên, những đóng góp của ông cho thơ ca và hội họa[5][53][54] dân tộc ít khi được nhắc tới so với những cống hiến to lớn về âm nhạc của ông. Văn Cao được xem là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử phát triển của văn hóa Việt Nam – một con người mà sự kết hợp nhạc-họa-thơ là xuyên suốt trong gần như toàn bộ những sáng tác đa dạng của ông. Trong địa hạt âm nhạc của ông, ngoài những nét đẹp về giai điệu, ca từ cũng mang nhiều tính thơ và họa. Còn trong địa hạt thơ của ông, họa tính là rất đặc trưng.[55]

Ở Văn Cao, tầm vóc không phải là thứ lượng hóa, tức là tính bằng con số những sáng tác. Bởi xét về số lượng, những sáng tác của Văn Cao (đặc biệt trong lĩnh vực nhạc và thơ) còn ít hơn đáng kể ngay cả so với nhiều nhạc sĩ hoặc thi sĩ ở tầm trung tại Việt Nam. Đánh giá Văn Cao cần nhìn xuyên suốt tư tưởng của ông trong cả ba lĩnh vực là nhạc-họa-thơ. Xét về nhiều phương diện, Văn Cao là mẫu nghệ sĩ hiếm có bởi lịch sử Việt Nam không có khuynh hướng tạo ra những nghệ sỹ có tinh thần dám khai phá sáng tạo như ông.

Văn Cao đã được nhiều người coi là một trong những danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam thời hiện đại.[56][57][58] Là một bậc thầy của nghệ thuật sử dụng ngôn từ phong phú và biến hóa trong các sáng tác nhạc và thơ của ông, cống hiến của Văn Cao cho riêng tiếng Việt - với tư cách một ngôn ngữ có khả năng chuyên chở đầy đủ những sắc thái cảm xúc và tư tưởng của người nghệ sĩ - đã thậm chí được so sánh với cống hiến của Nguyễn Du cho riêng ngôn ngữ thi ca dân tộc. Là người tài hoa được thừa nhận trên nhiều lĩnh vực như nhạc-họa-thơ[17] nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Văn Cao cũng được xem là một điển hình của định mệnh "tài"[59] và "tai"[60] trong lịch sử văn hóa của Việt Nam. Ông không có những quãng thời gian đủ dài và suôn sẻ trong sáng tạo nghệ thuật so với những tên tuổi như Phạm Duy hay Trịnh Công Sơn bởi bối cảnh chính trị, văn hóa đặc thù của miền Bắc so với miền Nam Việt Nam những năm chiến tranh chia cắt. Đánh giá về Văn Cao, trong nhiều bài viết các tác giả không ngần ngại gắn cho ông mỹ từ thiên tài, trong đó có Phạm Duy (2007), Thụy Khuê (2010), Đỗ Ngọc Thạch (2013), hay Trần Mạnh Hảo (2013). Đây mặc định có thể xem là đánh giá ở mức độ cao nhất đối với bất cứ ai hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam. Trong văn học nghệ thuật của dân tộc, trước Văn Cao có lẽ chỉ có Nguyễn Du trong thi ca là thường được gắn với mỹ từ thiên tài nhiều hơn cả. Việc Phạm Duy dùng mỹ từ đó cũng cho thấy sự trân trọng ông dành cho Văn Cao lớn thế nào, bởi Phạm Duy với lòng tự tôn của một cây đại thụ hàng đầu tân nhạc Việt không phải người dễ dãi trong đánh giá thành tựu của đồng nghiệp. Với những kiến thức phong phú về nhạc lý và văn hóa dân tộc, Phạm Duy hơn ai hết có đầy đủ thẩm quyền đánh giá về tài năng của Văn Cao.

Nhiều người nghiên cứu sâu về Văn Cao (trong đó có bạn vong niên của ông là nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha và con trai trưởng của Văn Cao là họa sĩ Văn Thao) thường nhắc tới khả năng đưa ra những tiên tri hay dự đoán đến mức chính xác đáng kinh ngạc trong những sáng tác âm nhạc của ông. Nhiều sự kiện đã xảy ra trong các tác phẩm của Văn Cao trước khi chúng được ghi nhận trong thực tế lịch sử Việt Nam thế kỷ ông đã sống.[61] Một số tác phẩm điển hình là Không quân Việt NamTiến về Hà Nội.[62]

Nhận xét

sửa

Về cuộc đời và sự nghiệp

sửa

Về nhân cách

sửa

Trong âm nhạc

sửa

Trong thơ ca

sửa

Trong hội họa

sửa

Tri ân

sửa

Những tác phẩm về Văn Cao

sửa

Năm 1989, tạp chí National Geographic đã đăng một bức ảnh của nhạc sĩ Văn Cao đang ngồi trầm tư bên chiếc đàn dương cầm của ông. Chính tấm hình này sau đó đã tạo cảm hứng để nhà soạn nhạc đương đại người Mỹ Robert Ashley sáng tác nên bản nhạc solo cho piano mang tên Van Cao's Meditation vào năm 1992, dù rằng cho đến tận khi Văn Cao qua đời (1995) thì Robert Ashley vẫn chưa một lần gặp mặt tác giả của Tiến quân ca.

Trong lĩnh vực điêu khắc, đã có một bức tượng bán thân của Văn Cao được đặt trong khuôn viên trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Hải Phòng từ năm 2002. Cũng trong cuộc trò chuyện với báo chí nhân dịp khánh thành bức tượng bán thân của cha mình tại Hải Phòng năm 2002, họa sĩ Văn Thao (con trai trưởng của Văn Cao) nói: "Năm 1985, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng tặng cha tôi bức tượng tạc khuôn mặt ông bằng thạch cao màu đen, cao 20 cm. Bố tôi rất thích và đề từ: Bức tượng cho tôi cảm giác tôi đang muốn nói một câu gì đó. Hè vừa rồi, tôi mới có điều kiện đi quyên góp từ bạn bè để phóng to bức tượng của Phạm Văn Hạng bằng đất sét, rồi đổ khuôn thạch cao, hết 1 tháng rưỡi. Rồi đưa khuôn ấy cho nghệ nhân Nguyễn Văn Dũng. Bức tượng hoàn thành cách đây 3 tháng, bằng đồng hun, cao 1,2 m." Văn Thao cũng thổ lộ với báo chí về mong muốn lập một bảo tàng cá nhân cho người cha nổi tiếng của ông: "Tôi chỉ muốn làm cho được một bảo tàng về cha tôi. Đó là hoạt động ý nghĩa nhất tôi phải làm bằng được trong những năm tới. Cho đến nay, ở xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định có một trường tiểu học mang tên Văn Cao. Tôi đang cố gắng xin đất ở huyện Vụ Bản, để Bảo tàng Văn Cao được tọa lạc tại chính quê hương mình, cần vài nghìn mét vuông để làm khu lưu niệm, vườn tược, vườn Thiên Thai. Tôi còn phải lo sưu tập, phục chế, tìm kiếm những bức vẽ, minh họa của cha và rất nhiều bài thơ bị thất lạc. Đến giờ, ông mới chỉ có 2 tập thơ Lá và Tuyển tập Văn Cao. Từ lâu lắm, cha tôi đã có những bài thơ cô đúc và rất hiện đại, tinh tế và sâu thẳm."[86]

Hiện nay cũng đang có một số đề xuất từ những người có vai trò trong quản lý văn hóa ở Việt Nam về việc dựng tượng đài Văn Cao ở một địa điểm công cộng (như một công viên nhỏ) tại Hà Nội. Những người ủng hộ đề xuất này bao gồm có nhà sử học Dương Trung Quốc, họa sĩ Trần Khánh Chương (hiện là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam), và nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (hiện là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam).[87][88]

Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán là người sở hữu một bộ ảnh với số lượng lớn về Văn Cao do chính ông tự tay chụp, do có nhiều điều kiện thời gian đến thăm Văn Cao những năm nhạc sĩ - thi sĩ còn sống. Nguyễn Đình Toán vốn quen biết và sống không xa nhà riêng của gia đình Văn Cao.

Trong lĩnh vực phim ảnh, đạo diễn Đinh Anh Dũng là người có dịp tiếp xúc với Văn Cao không lâu trước khi nhạc sĩ qua đời và đã đạo diễn 2 bộ phim tài liệu - ca nhạc về Văn Cao: Văn Cao - Giấc mơ một đời người (1992) và Văn Cao - Buổi sáng có trong sự thật (1995).

Trong lĩnh vực văn học, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha, đồng thời là một nhà "Văn Cao học", cho xuất bản cuốn tiểu thuyết chân dung mang tên Văn Cao - Người đi dọc biển (Nhà xuất bản Phụ nữ, 2011).

Vinh danh

sửa

Một năm sau ngày nhạc sĩ Văn Cao mất, thành phố Hải Phòng đã đặt tên ông cho một con đường ở quận Ngô Quyền. Huế cũng đã có ngay đường "Văn Cao" ở phường Xuân Phú.
Đà Nẵng đã có đường "Văn Cao" ở quận Thanh Khê. Thành phố Hồ Chí MinhNam Định cũng đều có đường mang tên ông. Năm 2005, mười năm sau ngày Văn Cao mất, Hà Nội lấy tên "Văn Cao" đặt cho một tuyến phố thuộc hàng đẹp nhất của thủ đô nối từ Liễu Giai đến đường Hoàng Hoa Thám. Ông Nguyễn Quốc Triệu, chủ tịch thành phố thời gian đó, đích thân tới nhà gia đình Văn Cao vào hôm trước ngày giỗ của nhạc sĩ để báo tin. Đường Văn Cao sau đó đã được kéo dài xuyên qua đường Hoàng Hoa Thám, ra tận sát Hồ Tây.

Các con đường ở một số tỉnh thành tại Việt Nam có mang tên ông bao gồm:

  1. Đường Văn Cao, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Hải Phòng
  2. Đường Văn Cao, phường Thạc Gián và Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, Đà Nẵng
  3. Phố Văn Cao, phường Liễu Giai, quận Ba Đình và phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội
  4. Đường Văn Cao, phường Phú Thạnh và Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
  5. Đường Văn Cao, phường Tân Lợi, Buôn Ma Thuột, Đắk Lăk
  6. Đường Văn Cao, phường An Hòa, Rạch Giá, Kiên Giang
  7. Đường Văn Cao, Thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng
  8. Phố Văn Cao, phường Chi Lăng, Lạng Sơn, Lạng Sơn
  9. Đường Văn Cao, phường Năng Tĩnh, phường Văn Miếu và xã Lộc An, Nam Định, Nam Định
  10. Đường Văn Cao, phường Xuân Phú, Huế, Thừa Thiên – Huế
  11. Đường Văn Cao, phường Mỹ Phước, Bến Cát Bình Dương

Tham khảo

sửa

Bởi Văn Cao

sửa

Sách:

  • Cửa biển, tuyển tập thơ in chung của Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt và Văn Cao. (Nhà xuất bản Văn nghệ, 1956)
  • , tuyển tập thơ Văn Cao. (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1988)
  • Thiên Thai, tuyển tập nhạc-thơ Văn Cao. (Nhà xuất bản Trẻ, 1988)
  • Tuyển tập thơ Văn Cao. (Nhà xuất bản Văn học, 1994)
  • Văn Cao - Tác phẩm thơ. (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2013)

Tiểu luận, hồi ký:

Về Văn Cao

sửa

Trong cuộc đời và sự nghiệp của Văn Cao, những người là bạn văn nghệ gần gũi và có nhiều ghi chép giá trị về ông là nhạc sĩ Phạm Duy (bạn lâu năm và đồng thời là người có đánh giá chuyên môn toàn diện nhất về sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao), họa sĩ Tạ Tỵ (cùng với Thái Bá Vân, là những người có hiểu biết sâu về tài năng mỹ thuật của Văn Cao), nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha (tác giả của cuốn tiểu sử - tiểu thuyết chân dung đầu tiên về Văn Cao) và họa sĩ Văn Thao (con cả của Văn Cao).

Danh sách tham khảo

Sách:

  • Bích Thuận, Nhạc sĩ Văn Cao, tài năng và nhân cách. (Nhà xuất bản Thanh niên, 2007)
  • Nguyễn Thụy Kha (chủ biên), Văn Cao, cuối cùng và còn lại. (Nhà xuất bản Trẻ, 1998)
  • Nguyễn Thụy Kha, Văn Cao - Người đi dọc biển. (Nhà xuất bản Phụ nữ, 2011)
  • Nhiều tác giả, Văn Cao, cuộc đời và tác phẩm. (Nhà xuất bản Văn học, 1996)
  • Phạm Duy, Hồi ký (1989)
  • Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ (Tủ sách Nam Chi, Cơ sở Phạm Quang Khai xuất bản, 1970)
  • Văn Thao, Văn Cao, đời và nghiệp (hồi ức)

Bài viết (tạp chí chuyên ngành), luận văn:

Nguồn khác (báo, tạp chí điện tử):

Phim ảnh:

  • Đinh Anh Dũng (đạo diễn): Văn Cao - Giấc mơ một đời người (phim tài liệu ca nhạc, 1992)
  • Đinh Anh Dũng (đạo diễn): Văn Cao - Buổi sáng có trong sự thật (phim tài liệu ca nhạc, 1995)

Chú thích

sửa
  1. ^ a b c d Thanh Thảo, Tưởng niệm 25 năm ngày Văn Cao qua đời: Văn Cao, người của xã hội. (Báo Thanh Niên điện tử, 04/07/2020)
  2. ^ Phạm Duy, Văn Cao Trong Tôi. (Âm nhạc Online - amnhac.fm, 9.10.2007). Phạm Duy (2007): "...Trường ca Sông Lô là bản hát dài đầu tiên của chúng ta, là một tuyệt phẩm mà những người đi sau Văn Cao (như tôi) đã học hỏi được rất nhiều ở ông để tiếp tục làm giàu cho âm nhạc Việt Nam. Tôi muốn được công khai tỏ lòng biết ơn thiên tài Văn Cao trong buổi nói chuyện này." [Chú thích: Trích dẫn theo nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Phạm Duy trong bài nói chuyện về sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Văn Cao tại Phòng trà Tình ca, TP. Hồ Chí Minh, ngày 5 tháng 10 năm 2007.]
  3. ^ Nguyễn Nguyệt, HỘI HỌA VĂN CAO. (Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 320, tháng 2-2011)
  4. ^ Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam), Kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ Văn Cao (1923-2013): Có một họa sĩ tài ba, Văn Cao Lưu trữ 2017-09-22 tại Wayback Machine. (Trang điện tử của Hội Mỹ thuật Việt Nam, 2013)
  5. ^ a b Văn Bảy, 20 năm ngày mất Văn Cao: Một họa sĩ trọn vẹn và rộng rãi. (Báo Thể thao & Văn hóa, 13/07/2015)
  6. ^ a b c d e Trích dẫn theo tác giả Lê Thiếu Nhơn trong bài viết "Văn Cao trong cõi thơ" (Báo Công an nhân dân điện tử, 27/06/2017).
  7. ^ Nhà thơ Văn Cao: Tôi không được làm trái tim đầu mùa... (Báo Công an nhân dân điện tử, 08/07/2011)
  8. ^ Vũ Quần Phương, Đóng góp của Văn Cao vào thơ đương đại Lưu trữ 2017-09-22 tại Wayback Machine. (Tạp chí điện tử Văn Hiến Việt Nam, 12/02/2014)
  9. ^ Hà Thị Hoài Phương, Ngôn ngữ nghệ thuật thơ Văn Cao Lưu trữ 2017-09-29 tại Wayback Machine. (Tạp chí điện tử Văn Hiến Việt Nam, 15/10/2015)
  10. ^ Nguyễn Thụy Kha, Năm Đinh Hợi 1947 với Văn Cao. (Báo điện tử Sức khỏe & Đời sống, 27/1/2017)
  11. ^ a b c d Văn Thao, Văn Cao với Đội danh dự Việt Minh. (Báo Công an nhân dân điện tử, 02/09/2015)
  12. ^ Văn Thao, Quán Biên Thùy và chuyện trong dinh Hoàng A Tưởng. (Báo Công an nhân dân điện tử, 31/08/2016)
  13. ^ a b Trích dẫn theo nhạc sĩ Phạm Duy trong bài nói chuyện về sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Văn Cao tại Phòng trà Tình ca, TP. Hồ Chí Minh, ngày 5 tháng 10 năm 2007.
  14. ^ a b Trích dẫn theo tác giả Đặng Anh Đào (con gái của nhà nghiên cứu, phê bình văn học Đặng Thai Mai) trong bài viết "Thiên tài và đa tài" (Báo Công an nhân dân điện tử, 22/08/2009).
  15. ^ Tạ Tỵ: "Văn Cao nhập cuộc không phải bằng tài năng đơn độc mà bằng một thác lũ nghệ thuật, chùm lấp vòm trời Kinh đô Văn nghệ. (...) Ở Văn Cao, mỗi lời thơ là một hạt ngọc, mỗi tiếng nhạc là mỗi sợi tơ, mỗi màu sắc là một vùng hào quang diễm lệ." (Mười khuôn mặt văn nghệ, 1970)
  16. ^ Phạm Duy: "...Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều. (...) Hình như Văn Cao có đi học vẽ ở trường Cao đẳng Mỹ thuật như tôi, nhưng chắc chắn anh đã được hoạ sĩ Lưu Văn Sìn dắt vào hội hoạ. Văn Cao vẽ rất giỏi. Tôi giữ được bức tranh tự hoạ của Văn Cao, tranh sơn dầu vẽ trên bìa cứng cho tới ngày Pháp đánh Saigon vào năm 1945 thì mất, tiếc quá! Văn Cao làm thơ cũng rất hay. Vào năm 1941 mà anh đã có những câu thơ nghe như thơ Huy Cận (...) Chưa gặp Văn Cao nhưng tôi đã biết tài soạn nhạc qua mấy bài nhạc hùng của anh rồi..." (trích dẫn từ hồi ký của nhạc sĩ, nhà nghiên cứu tân nhạc Phạm Duy)
  17. ^ a b Nguyễn Thị Ngọc Hà, Tản mạn văn, nhạc, họa Lưu trữ 2017-10-03 tại Wayback Machine. (Tạp chí văn nghệ quân đội, 08/02/2016). Trích dẫn tác giả: "Ở Việt Nam, trường hợp tiêu biểu cho sự song hành ba tài năng trong một con người là Văn Cao. Ông là nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ. Nhiều đồng nghiệp đã gọi ông là "nghệ sĩ trên nghệ sĩ". Những ca khúc bất hủ của Văn Cao đã nằm lòng nhiều lứa tuổi từ trước Cách mạng tháng Tám đến bây giờ. Tất cả những nhạc phẩm, ông đều phổ từ thơ của ông hoặc tự viết ca từ cho ca khúc của mình. Điều đặc biệt là, những bài thơ, những ca từ ông viết ra đều mang màu sắc hội họa, bởi ngoài tài danh văn chương và âm nhạc, ông còn là một họa sĩ đích thực. Từ những năm 1943–1945, những bức sơn dầu, bột màu của ông đã được đánh giá cao trong triển lãm mĩ thuật. Hiện nay một số tranh của ông vẫn được lưu giữ trong Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam."
  18. ^ Trích dẫn theo tác giả Thụy Khuê trong bài viết "Nhân văn Giai phẩm - phần XIII: Văn Cao" (RFI.fr, 11/04/2010). Lưu trữ 2014-12-28 tại Wayback Machine
  19. ^ “Gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng ca khúc Tiến quân ca”.
  20. ^ a b c d Nguyễn Thanh Giang, Tản mạn về người viết Quốc ca Việt Nam Lưu trữ 2020-12-02 tại Wayback Machine đăng trên Talawas 2 tháng 12 năm 2004.
  21. ^ a b c Tiểu sử Văn Cao[liên kết hỏng] trên trang web của thành phố Hải Phòng
  22. ^ Tiểu sử Văn Cao Lưu trữ 2008-03-09 tại Wayback Machine trên trang của Bộ Văn hóa Thông tin
  23. ^ Hồi ký Tại sao tôi viết Tiến Quân Ca? của Văn Cao
  24. ^ Trích dẫn theo tác giả Nguyễn Thụy Kha trong bài viết "Năm Đinh Hợi 1947 với Văn Cao" (Báo điện tử Sức khỏe & Đời sống, ngày 27 tháng 1 năm 2017).
  25. ^ “Quán Biên Thùy và chuyện trong dinh Hoàng A Tưởng”.
  26. ^ “Những tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2008.
  27. ^ Nhạc sĩ Văn Cao: "Trương Chi" thời cuối thế kỷ 20? trên RFA
  28. ^ 'Mùa xuân đầu tiên' và người tiên tri của thời đại”.
  29. ^ “Văn Cao một thiên tài, một số phận”. Truy cập 2 tháng 10 năm 2015.
  30. ^ “Văn Cao với ca khúc Mùa xuân đầu tiên”. Truy cập 14 tháng 2 năm 2015.
  31. ^ Một người Gia Nã Đại và âm nhạc Phạm Duy
  32. ^ Văn Cao - Cõi mơ: Nổi bật một nhân cách và tài năng lớn Lưu trữ 2009-01-13 tại Wayback Machine - Báo Tuổi Trẻ, Hà Nội Mới đăng lại
  33. ^ a b c d e f g h i j k Phạm Duy,
  34. ^ Phạm Duy và cảm xúc về nhạc sĩ Văn Cao trên VnExpress
  35. ^ Tạ Tỵ, Những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi, trang 18-34
  36. ^ a b c Tạ Tỵ, Văn Cao, một tinh cầu giá lạnh, trong sách Mười khuôn mặt văn nghệ. (Tủ sách Nam Chi, Cơ sở Phạm Quang Khai xuất bản, 1970)
  37. ^ a b Văn Thao, Bữa cơm tất niên. (Báo Công an nhân dân điện tử, 14/02/2013)
  38. ^ Trích dẫn theo tác giả (ca sĩ Ánh Tuyết) trong bài viết "Nhạc sĩ Văn Cao: Trương Chi là tôi đấy" (Báo Tuổi Trẻ Online, 07/07/2013). Chi tiết đoạn nói chuyện giữa Ánh Tuyết và Văn Cao được bà thuật lại như sau: "Tôi nhớ hoài hình ảnh ông trên căn gác 108 Yết Kiêu, Hà Nội... Hai bác cháu [chú thích: tức Văn Cao và ca sĩ Ánh Tuyết] cứ ngồi im lặng gần ba giờ sau những thắc mắc tìm hiểu của tôi về sự ra đời của bài hát Trương Chi... Rồi tôi khẽ rung lên câu hát: "Lòng chiều bơ vơ lúc thu vừa sang... Một cánh chim rơi trong khúc nhạc vàng... Anh Trương Chi... tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung. Oán trách cuộc từ ly não nùng... Ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta. Đàn đêm thâu, trách ai khinh nghèo quên nhau...". Văn Cao vẫn lặng im. Bất chợt ông nói gọn mấy từ như nói với chính mình mà cũng vừa đủ cho tôi nghe: "Trương Chi là tôi đấy". Rồi ông bật một tiếng cười khan mà tôi nghe thấu lòng cái nỗi cô đơn cùng tận giăng phủ niềm đau ẩn chứa trong sự im lặng, đã gói gọn số phận đời ông qua hình dáng chàng Trương Chi."
  39. ^ Võ Thị Xuân Hà, Người con đồng bệnh tương liêu của Văn Cao. (Tạp chí Sông Hương, 12/10/2009)
  40. ^ a b Hà Minh Đức, Nhạc sĩ Văn Cao và chuyện kể bên giường bệnh. (Báo Công an nhân dân điện tử, 03/12/2013)
  41. ^ Nguyễn Nghiêm Bằng, Vài tâm sự của nhạc sĩ Văn Cao về "Tiến quân ca". (Báo điện tử Tiền Phong, 17/08/2005). Chú thích: Nghiêm Bằng là một trong 3 người con trai của Văn Cao.
  42. ^ Đặng Tiến, Văn Cao, tiếng hát Lưu trữ 2018-05-29 tại Wayback Machine. (Tạp chí Văn hóa Nghệ An, 26/7/2015). Trích dẫn ý kiến của Phạm Duy: "Phải đợi cho tới khi tân nhạc ra đời vào những năm cuối 30 và đầu 40 thì chúng ta mới có được một loại nhạc tình lãng mạn do các người tình tiền phong của thời đại như Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Lê Thương, Văn Chung, Dzoãn Mẫn...tung ra (...). Tuy nhiên, loại nhạc tình lãng mạn đó chỉ có thể được gọi là đạt tới độ hoàn mỹ khi nó được phát xuất ra từ một con người tài hoa bật nhất của thế giới nghệ sĩ trẻ lúc bấy giờ. Người đó là Văn Cao."
  43. ^ Dân Huyền, Nhạc sĩ Văn Cao và những sáng tác về đề tài cách mạng. (Báo điện tử của Đài tiếng nói Việt Nam - VOV.vn, 02/09/2016). Trích dẫn ý kiến của tác giả bài viết, nhạc sĩ Dân Huyền: "Trong dòng âm nhạc cách mạng, Văn Cao là người đầu tiên chắp những đôi cánh lãng mạn, những ước mơ lớn vào các ca khúc, hành khúc chiến đấu. (...) Từ năm 1944 đến năm 1946 là một bước ngoặt lớn, một bước phát triển nhảy vọt của Văn Cao. Từ dòng lãng mạn lành mạnh – yêu nước hùng tráng, Văn Cao chuyển ngay sang dòng âm nhạc cách mạng, chuyển ngay sang dòng thác dữ dội của cách mạng giải phóng dân tộc. Chuyển một cách mau lẹ, tự nhiên, vững chắc, không qua một giai đoạn quá độ, không qua một giai đoạn mò mẫm "nhận đường". (...) Với "Tiến quân ca", lần đầu tiên Quân giải phóng Việt Nam chính thức có một hành khúc hùng tráng, trang nghiêm và lôi cuốn. Với "Tiến quân ca", lần đầu tiên toàn thể các tầng lớp nhân dân Việt Nam có chung một hành khúc trên đường ra trận. Trước đó, chúng ta chỉ có những nhạc phẩm yêu nước của tuổi trẻ thủ đô, của thanh niên, học sinh, sinh viên và hướng đạo sinh. "Tiến quân ca" là cái mốc bằng vàng đánh dấu sự toàn thắng của âm nhạc cách mạng về cả tư tưởng lẫn về nghệ thuật."
  44. ^ Nhạc sĩ kiêm nhà nghiên cứu âm nhạc Phạm Duy từng viết về vai trò của Văn Cao trong việc khai phá thể loại trường ca trong âm nhạc hiện đại Việt Nam như sau: "Văn Cao là người đẻ ra trường ca, còn tôi chỉ là người thừa kế. Trường ca sông Lô phải là đỉnh cao nhất của nhạc kháng chiến nói riêng, của tân nhạc Việt Nam nói chung. Sự dài hơi trong những câu nhạc trong bài chứng tỏ nhạc sĩ Văn Cao đã trưởng thành ngay từ lúc tân nhạc vừa mới ra đời." Hay "Trường ca sông Lô là bản hát dài đầu tiên của chúng ta là một tuyệt phẩm mà những người đi sau Văn Cao (như tôi) đã học hỏi được rất nhiều ở ông để tiếp tục làm giầu cho âm nhạc Việt Nam."
  45. ^ Thiên Sơn, Nhà thơ Văn Cao, còn những tiếng rạn vỡ Lưu trữ 2017-09-01 tại Wayback Machine. (Trang điện tử Hội nhà văn Hải Phòng, 23/11/2013)
  46. ^ Vũ Nho, Văn Cao, một lối thơ riêng Lưu trữ 2017-09-01 tại Wayback Machine. (Tạp chí văn nghệ quân đội, 17/03/2014)
  47. ^ Lê Thiếu Nhơn, Văn Cao trong cõi thơ. (Báo Công an nhân dân điện tử, 27/06/2017)
  48. ^ a b Trần Thiện Khanh, Đối thoại về trường ca và trường ca Việt Nam hiện đại. (Báo điện tử Tổ Quốc, 23/06/2009)
  49. ^ Lê Thiếu Nhơn, Văn Cao trong cõi thơ. (Báo Công an nhân dân điện tử, 27/06/2017). Trích dẫn tác giả: "Thử thách thể loại trường ca đòi hỏi sức cảm sức nghĩ phi thường, cũng chính là cơ hội phô diễn một Văn Cao tài năng cồng kềnh. Hít thở không khí xứ sở độc lập tự chủ, Văn Cao khẳng định "có người hàng năm mặt trời không thấy mọc/ khép đùi xếp phách tiễn đêm đi/ hôm nay ngồi chép bài ca mới/ hương cốm mùi rơm ngát giếng đình" để mường tượng hòa bình đích thực "chúng ta sẽ trả về những bà mẹ Pháp/ núi hài cốt cuộc chiến tranh bẩn thỉu/ cũng như những người mẹ chúng tôi/ tiếc những dòng sữa, những cái hôn đã mất" và nghe được những va đập mỏng mảnh "tiếng thức dậy niềm cô đơn nuối tiếc/ những con người gần ánh sáng chưa quen". (...) Đánh giá một cách cẩn trọng, trường ca "Những người trên cửa biển" đã xác lập một vị trí nhất định trong nền thơ Việt Nam thế kỷ XX, bởi tình yêu mảnh đất "mỗi người dân Hải Phòng thật kiếm ăn từ nhỏ/ mỗi người dân Hải Phòng đều biết đổ mồ hôi" đã dựng được hình tượng nhà thơ Văn Cao chung thủy với thời đại "cuộc đời ôm tôi như trong một cái bình/ một tiếng vang vang cả lòng cả đáy"."
  50. ^ Khuất Bình Nguyên, Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc... Lưu trữ 2020-02-17 tại Wayback Machine. (Tạp chí Văn hóa Nghệ An, 19/10/2013). Trích dẫn tác giả: "Những người trên cửa biển mở đầu cho vụ mùa thu hoạch trường ca của thi ca Việt Nam nửa sau thế kỷ XX. Đặc biệt trong và sau những năm chống Mỹ cứu nước, thơ Việt Nam đi đến một tầm vóc mới ở sự ra quân rầm rộ của nhiều bản trường ca."
  51. ^ Khuất Bình Nguyên, Trường ca nửa sau thế kỷ XX Lưu trữ 2018-03-20 tại Wayback Machine. (Tạp chí Văn hóa Nghệ An, 9/1/2016)
  52. ^ Đỗ Quyên, Đến sự hiện đại hóa thơ Việt từ "trường phái trường ca Việt"[liên kết hỏng]. (Báo Văn nghệ Thái Nguyên, 06/06/2017). Trích dẫn tác giả: "...Hiện tượng trường ca Việt Nam có vùng hoạt động trong vòng 40 năm 1960-2000: thời điểm lịch sử 1975 ở quãng giữa với khoảng 15 năm trước và 20 năm sau đó. (...) Dấu mốc 1960 có được do chúng tôi chọn 3 điểm khởi phát của hiện tượng trường ca Việt Nam; đó là tác giả Văn Cao với tác phẩm Những người trên cửa biển - 1956; Hoàng Cầm, Tiếng hát người quan họ - 1956; và Thu Bồn, Bài ca chim Chơ Rao - 1962."
  53. ^ Nguyễn Nguyệt, Hội họa Văn Cao. (Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 320, tháng 2-2011)
  54. ^ Trần Khánh Chương, Kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ Văn Cao (1923-2013): Có một họa sĩ tài ba, Văn Cao Lưu trữ 2017-09-22 tại Wayback Machine. (Trang điện tử của Hội Mỹ thuật Việt Nam, 2013)
  55. ^ Đỗ Thu Hà, Chất hội họa trong thơ Văn Cao. (Khóa luận tốt nghiệp, Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội)
  56. ^ Khuất Bình Nguyên, Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc... Lưu trữ 2020-02-17 tại Wayback Machine. (Tạp chí Văn hóa Nghệ An, 19/10/2013)
  57. ^ a b Hồ Bất Khuất, Văn Cao – "Nhân vật văn hóa năm 2013" Lưu trữ 2018-01-03 tại Wayback Machine. (Tạp chí Văn hóa Nghệ An, 24/1/2014)
  58. ^ Đào Quang (Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Nam Định), Lừng danh người nghệ sỹ. (Trang điện tử của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái, 24/05/2016)
  59. ^ Nhắc đến tài năng mang tính sáng tạo trong nhiều lĩnh vực của Văn Cao, người ta vẫn thường dùng những mỹ từ như "tài hoa", "đa tài", và thậm chí "thiên tài".
  60. ^ "Tai" ở đây dùng với nghĩa là "tai ương", "tai nạn".
  61. ^ Nguyễn Thụy Kha, VĂN CAO - "Ông hoàng âm nhạc"; Tính dự báo và "Việt hóa" âm nhạc Tây là những đóng góp lớn của Văn Cao. (BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐIỆN TỬ, 09/09/2017)
  62. ^ Tân Linh, Hát Tiến về Hà Nội, nhớ Văn Cao. (Báo An ninh Thủ đô điện tử, 16/09/2014)
  63. ^ Trong bài viết Văn Cao, dòng sông ba nhánh sương mù
  64. ^ a b Trích dẫn theo tác giả Đỗ Ngọc Thạch trong bài viết "Văn Cao - Dòng suối mơ không vơi cạn...".
  65. ^ Nguyễn Thị Ngọc Hà, Tản mạn văn, nhạc, họa. (Tạp chí văn nghệ quân đội, 08/02/2016)
  66. ^ Văn Cao - Người cô đơn giữa cuộc đời (Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, 5/7/2015)
  67. ^ a b Trích dẫn lời của họa sĩ Văn Thao (con trai cả của Văn Cao) trong cuộc trò chuyện giữa ông với nhà văn Võ Thị Xuân Hà, trong bài viết "Người con đồng bệnh tương liêu của Văn Cao" (Tạp chí Sông Hương, 12/10/2009).
  68. ^ Đặng Tiến, Văn Cao, tiếng hát. (Tạp chí Văn hóa Nghệ An, 26/7/2015)
  69. ^ Nghe Phạm Duy tâm tình về Văn Cao (VnExpress, 6/10/2008)
  70. ^ Trương Quang Lục, Vài kỷ niệm khó quên về nhạc sĩ Văn Cao. Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao. (Báo Sài Gòn Giải Phóng, 17/11/2013)
  71. ^ Trích dẫn theo tác giả Khánh Nguyễn trong bài viết "Nhạc sĩ Dương Thụ: Sự xuất hiện của Phạm Duy là một tất nhiên" (Báo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần, 09/02/2013).
  72. ^ a b Đỗ Hồng Quân, Nhạc sĩ Văn Cao: Từ "Buồn tàn thu" đến "Mùa xuân đầu tiên", cuộc hành trình của một tài năng lớn!. (Tạp chí điện tử Văn Hiến Việt Nam, 04/02/2014)
  73. ^ Dân Huyền, Nhạc sĩ Văn Cao và những sáng tác về đề tài cách mạng. (Báo điện tử của Đài tiếng nói Việt Nam - VOV.vn, 02/09/2016)
  74. ^ Trích dẫn theo tác giả (ca sĩ Ánh Tuyết) trong bài viết "Nhạc sĩ Văn Cao: Trương Chi là tôi đấy" (Báo Tuổi Trẻ Online, 07/07/2013).
  75. ^ Thùy Dương, Văn Cao - Người đi dọc biển. (Báo An ninh Thủ đô điện tử, 23/07/2011)
  76. ^ Một nhà nghiên cứu không chuyên về nhạc Trịnh, Frank Gerke mang quốc tịch Đức. Trích dẫn theo tác giả Trần Đăng Khoa trong bài viết "Tháng Tư rồi, nhớ Trịnh Công Sơn" (Báo điện tử của Đài tiếng nói Việt Nam - VOV.vn, 01/04/2012).
  77. ^ Trích dẫn theo tác giả Phương Thúy trong bài viết "Văn Cao - một gương mặt thơ cách tân" (Báo điện tử của Đài tiếng nói Việt Nam - VOV.vn, 30/12/2013).
  78. ^ Trích dẫn theo tác giả Thanh Thảo trong bài viết "Nhân 80 năm ngày sinh Văn Cao: Thời gian cô đặc trong thơ Văn Cao" (Báo Bình Định điện tử, 14/12/2003).
  79. ^ Trích dẫn theo tác giả Đặng Anh Đào (con gái của nhà nghiên cứu, phê bình văn học Đặng Thai Mai) trong bài viết "Mùa xuân bí ẩn trong thơ Văn Cao" (Báo Công an nhân dân điện tử, 04/01/2009).
  80. ^ Trích dẫn theo tác giả Thụy Khuê trong bài viết "Nhân văn Giai phẩm - phần XIII: Văn Cao" (RFI.fr, 11/04/2010).
  81. ^ Trích dẫn theo tác giả Trần Hoài Anh trong bài viết "Tâm thức "trôi" trong thơ Văn Cao" (Trang điện tử Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, 16.4.2011).
  82. ^ a b c Trích dẫn theo tác giả Thiên Sơn trong bài viết "Nhà thơ Văn Cao, còn những tiếng rạn vỡ" (Trang điện tử Hội nhà văn Hải Phòng, 23/11/2013).
  83. ^ a b c Trích dẫn theo tác giả Vũ Nho trong bài viết "Văn Cao một lối thơ riêng" (Tạp chí văn nghệ quân đội, 17/03/2014).
  84. ^ Vi Quốc Hiệp, Nhớ Văn Cao. (Tạp chí Mỹ thuật - Hội Mỹ thuật Việt Nam)
  85. ^ Đỗ Phấn, "nghe"-ve-minh-hoa-tren-bao-giay.html "Nghề" vẽ minh họa trên báo giấy. (Báo Nhân Dân, 20/06/2016)
  86. ^ Dựng tượng nhạc sĩ Văn Cao (VnExpress.net, 15/11/2002). Trích dẫn: "Chiều nay, tại khuôn viên Trung học Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng diễn ra lễ khánh thành tượng Văn Cao. Đây là bức tượng bán thân, cao 0,7 m, nặng 100 kg đặt trên bệ đá cao 1,8 m. Tác giả là nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, họa sĩ Văn Thao (con trai nhạc sĩ Văn Cao) và nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Dũng."
  87. ^ Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Hà Nội sẽ đẹp hơn với tượng Văn Cao" (Thể thao & Văn hóa, 20/8/2016)
  88. ^ Hoạ sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: "Nên có tượng đài cố nhạc sĩ Văn Cao đặt ở phố Văn Cao, Hà Nội" (Dantri.com.vn, 12/07/2016)

Liên kết ngoài

sửa