[go: up one dir, main page]
More Web Proxy on the site http://driver.im/

Trần Thị Đang

phi tần của Gia Long, Thái hậu nhà Nguyễn

Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (chữ Hán: 順天高皇后, 4 tháng 1 năm 1769 - 6 tháng 11 năm 1846) tên thật là Trần Thị Đang[1] (陳氏璫), là một phi tần của Nguyễn Thế Tổ Gia Long, mẹ đẻ của Nguyễn Thánh Tổ Minh Mạng. Bà trở thành Hoàng thái hậu của triều đình nhà Nguyễn khi vua Minh Mạng lên ngôi. Sau khi vua Minh Mạng qua đời, bà trở thành Thái hoàng thái hậu dưới thời cháu nội mình là Nguyễn Hiến Tổ Thiệu Trị.

Thuận Thiên Cao hoàng hậu
順天高皇后
Hoàng thái hậu Đại Nam
Tại vị1821 - 1841
Tiền nhiệmÝ Tĩnh Khang hoàng hậu
Kế nhiệmTừ Dụ Thái hậu
Thái hoàng thái hậu Đại Nam
Tại vị18 tháng 4 năm 1841 -
6 tháng 11 năm 1846
(5 năm, 54 ngày)
Tiền nhiệmKhông có
Thái hoàng thái hậu đầu tiên của triều đại
Kế nhiệmTừ Dụ Thái hoàng thái hậu
Thông tin chung
Sinh4 tháng 1, 1769
(27 tháng 11 năm Mậu Tý)
Làng Văn Xá, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa
Mất6 tháng 11, 1846(1846-11-06) (77 tuổi)
(18 tháng 9 năm Bính Ngọ)
Phú Xuân, Đại Nam
An táng25 tháng 1, 1847
Lăng Thiên Thọ Hữu (天授右陵)
Phu quânGia Long
Hậu duệ
Tên đầy đủ
Trần Thị Đang (陳氏璫)
Tôn hiệu
Nhân Tuyên Từ Khánh Phúc Thọ Khang Ninh thái hoàng thái hậu
(仁宣慈慶福壽康寧太皇太后)
Thụy hiệu
Thuận Thiên Hưng Thánh Quang Dụ Hóa Cơ Nhân Tuyên Từ Khánh Đức Trạch Nguyên Công Cao Hoàng hậu
(順天興聖光裕化基仁宣慈慶德澤元功高皇后)
Tước hiệuTả cung tần (左宮嬪)
Hoàng thái hậu (皇太后)
Thái hoàng thái hậu (太皇太后)
Hoàng tộcNhà Nguyễn
Thân phụTrần Hưng Đạt
Thân mẫuPhu nhân Lê Thị Cầm

Cùng với Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, bà là một trong hai người vợ gắn bó với Gia Long thuở hàn vi, lập nghiệp. Bà hưởng phúc đến đời cháu Thiệu Trị, hưởng cảnh ngũ đại đồng đường, ở ngôi vị cao quý nhất hậu cung nhà Nguyễn từ khi Thừa Thiên Cao Hoàng hậu mất vào năm 1814 đến khi bà qua đời vào năm 1846, tổng cộng 32 năm.

Thân thế

sửa

Bà tên húy là Đang (璫), lại húy là Kính (敬), con gái thứ của Thọ Quốc công Trần Hưng Đạt (陳興達) (1746 - 1810) và Thọ Quốc phu nhân Lê thị.[2] Gia tộc bà vốn gốc Thanh Hóa, tiên tổ là Trần Phúc Tư buổi đầu năm 1558 theo chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa lập nghiệp, định cư ở huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên[3][Ghi chú 1].

Nhà họ Trần nhiều đời làm ăn lương thiện, tuy cũng có người làm quan nhưng chưa hiển đạt lắm. Đến đời ông nội bà là Trần Mậu Quế (陳茂桂) làm quan tri phủ dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chú, tham gia đánh Chân Lạp có công nên được thăng đến chức ký lục hai trấn Trấn BiênHà Tiên[4]. Do đó cha bà được tập ấm[Ghi chú 2], vào làm quan ở viện Hàn lâm.

Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), cụ nội bà là Trần Mậu Tài (陳茂材), được truy phong Thị trung trực Học sĩ, tước Văn Xá bá (文舍伯), thụy là Trực Lượng; Tổ phụ Trần Mậu Quế được phong Lại bộ Thượng thư, tước Gia Bình Hầu (嘉平侯), thụy là Đoan Hậu[5]. Mùa đông năm Minh Mạng thứ 5 (1824), tiên tổ năm đời Trần Phúc Tư được truy tặng Hàn lâm viện thị độc học sĩ, thụy là Uyên Mục; tiên tổ bốn đời Trần Văn Thuật làm Thái bộc Tự khanh, thụy là Đôn Nhã[6].

Phi thiếp của Nguyễn vương

sửa

Khi quân Trịnh vào đánh chiếm Phú Xuân (đầu năm 1775), thân mẫu của chúa Nguyễn Ánh là Ý Tĩnh Khang hoàng hậu lánh nạn ở làng An Du, Cửa Tùng, bà được tuyển vào hầu cận vì là con nhà danh giá. Năm 1778, chúa Nguyễn Ánh sai người rước mẹ vào Gia Định, qua năm Kỷ Hợi 1779, bà cùng các chị em của Nguyễn Ánh cũng vào theo. Bà khi 12 tuổi (1781) được tấn phong là Tả cung tần (左宮嬪), tục gọi là Nhị phi (二妃)[3].

Khi quân Tây Sơn còn mạnh thế, bà theo chúa Nguyễn Ánh phiêu bạt nhiều nơi, đêm thường thắp hương cầu khẩn: "Lúc này vận nước còn khó khăn, chưa được an định, nếu sinh con mà bỏ đi thì bất nhân mà mang theo chỉ bận lòng chúa thượng. Nếu số mệnh có con thì xin thái bình rồi mới sinh, mong trời ban được như thế"[3].

Năm 1788, sau khi chúa Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định, một đêm bà nằm mộng thấy một vị thần dâng lên một cái tỉ và hai cái ấn ngọc; cái tỉ màu sắc đỏ bóng nhẫy tươi sáng như mặt trời[7]; một cái ấn thì sắc tía, cái kia thì sắc rất nhạt, bà nhận lấy tất cả[3].

Năm 1791, bà sinh ra hoàng tử thứ tư là Đảm, tức vua Minh Mạng, ở thôn Hoạt Lộc (thuộc Gia Định)[2][8], sau đó là Kiến An Vương Đài (1795), Hoàng tử Hiệu (mất từ nhỏ) và Thiệu Hóa Quận vương Chẩn (1803). Khi Đảm lên 3 tuổi, Nguyễn Ánh đưa vào làm con của vợ cả là Nguyên phi Tống thị, Tống Nguyên phi yêu thương Hoàng tử như con mình.

Năm 1801 Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh qua đời khi tuổi còn trẻ, Hoàng hậu đau lòng không thôi, Gia Long vì thương Hoàng hậu nên buộc tứ Hoàng tử Đảm luôn hầu bên trong cung. Sau khi bà Hoàng hậu Tống thị mất thì Hoàng tử Đảm mới trở về bên cạnh bà.

Năm Gia Long thứ 6 (1807), cháu đích tôn của bà, tức vua Thiệu Trị sau này, vừa ra đời 13 ngày đã mất mẹ, được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu đón vào nuôi trong cung[9].

Năm Gia Long thứ 11 (1812), cháu trai thứ ba của bà là Nguyễn Phúc Yến mất mẹ khi vừa lên 3 tuổi, được bà đón vào cung nuôi dưỡng. [10].

Thời Minh Mạng

sửa

Vào thời Minh Mạng, Thuận Thiên Cao Hoàng hậu từng quan tâm bỏ tiền của nhằm tu sửa nhiều chùa chiền ở khu vực huyện Hương Trà[11].

Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), bắt đầu xây cung Từ Thọ, phong thưởng cho người họ ngoại. Các quan cùng vua xin dâng tôn hiệu bà lên làm Hoàng thái hậu, bà cảm thấy vua Gia Long chưa chôn cất được bao lâu, Hoàng đế nối ngôi lại vì chuyện mà lo buồn, sợ hãi, ấy vì thế mà khước từ đi[8].

Mùa đông năm 1820, cung Từ Thọ xây xong. Mùa xuân năm 1821, vua Minh Mạng cùng bá quan dâng biểu tấn tôn bà làm Hoàng thái hậu[12]. Bà vốn tính cần kiệm, từng đặt nhà thêu nuôi tằm trong cung, hằng ngày đều đến trông nom để làm vui.[13]. Vua thường bảo quần thần rằng: “Cung Từ Thọ có nhà nuôi tằm, ươm được nhiều tơ. Đó bởi mẹ ta có tính cần cù, biết rõ trồng dâu chăn tằm là nguồn gốc để may mặc, nên tự mình nuôi tằm ươm tơ, để làm gương cho người trong cung và Kinh đô. Nếu không thế, ta lấy của thiên hạ nuôi mẹ, còn có thiếu gì mà phải nuôi tằm.”[14].

Mùa xuân năm Minh Mạng thứ 7 (1826), con trai thứ 28 của Hoàng đế là hoàng tử Miên Trạch 3 tuổi, tư chất thông minh, được Hoàng thái hậu rất yêu, một hôm bị cảm gió, Hoàng thái hậu tự mình bế ẵm, không khiến cung nữ, vua ngồi hầu bên cạnh xin bế thay cũng không cho[15]. Vua ra coi chầu, bảo các thị thần rằng: “Cha con là nghĩa thân tự trời, chỉ lo có đau ốm tất không thể không quan tâm được; nhưng nghĩ Miên Trạch là trẻ con mà làm lo phiền cho thái hậu đến thế, lòng trẫm cũng chán lắm."[15].

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), Hoàng đế truy tôn cha bà làm Đông các Học sĩ, hàm Thái phó, phong là Hoa Quốc công (華國公), Lê Phu nhân mẹ bà là Nhất phẩm Hoa Quốc phu nhân (一品華國夫人)[13].

Khi Hoàng đế Minh Mạng đến hầu cơm, bà thường đứng dậy đi lại để tỏ ra khỏe mạnh, lại dạy rằng: "Ta biết Hoàng đế chăm lo suốt ngày, há nỡ lấy cái tuổi gần 70 mà lại làm lụy cho con, cho nên hàng ngày cố gắng ăn thêm, tự thấy tâm thần thảnh thơi, Hoàng đế nên chớ phải lo". Hoàng đế cả mừng, khóc lạy tạ[13].

Mùa đông năm Minh Mạng thứ 18, tháng 11 ngày Canh Dần ( tức ngày 13 tháng 12 năm 1837), nhân dịp Thánh thọ 70 tuổi của bà, Hoàng đế cùng bá quan dâng tôn hiệu là Nhân Tuyên Từ Khánh Hoàng Thái Hậu[16] (仁宣慈慶皇太后). Sách văn rằng:

Năm 1840, vua Minh Mạng mất, tôn chiếu Hoàng tử trưởng Trường Khánh Công Miên Tông lên nối ngôi, tức Thiệu Trị. Quan đại thần Trương Đăng Quế tâu lên, bà dụ rằng cha truyền con nối là đạo thường xưa, văn võ bá quan phải dốc toàn tâm để giúp đỡ tân đế[17].

Thời Thiệu Trị

sửa

Năm Thiệu Trị thứ nhất, tháng 3 ngày Nhâm Tý (tức 18 tháng 4 năm 1841) Hoàng đế Thiệu Trị dâng tôn hiệu cho bà là Nhân Tuyên Từ Khánh Thái Hoàng Thái Hậu (仁宣慈慶太皇太后)[17]. Sách văn rằng:

Mùa hạ cùng năm, Hoàng đế Thiệu Trị truy phong cha bà lên làm Cần chính điện đại học sĩ Thái sư, tước hiệu là Thọ Quốc công (壽國公), Lê phu nhân là Thọ Quốc nhất phẩm phu nhân (壽國一品夫人)[18].

Mỗi khi rỗi việc, vua Thiệu Trị lại đến cung Từ Thọ hỏi han sức khỏe bà[19]. Bà thường thong dong dặn dò vua về việc tin dùng người cũ, tuân theo phép nước, tiếp nối ý chí và việc làm của ông cha sao cho xứng đáng là một vị Hoàng đế. Lại cho bài luận về vua tôi, dạy bảo rất cặn kẽ cho vua nghe[17].

Khi Thiệu Trị đến hầu cơm, bà dụ rằng: " Hoàng đế hầu cơm, đi bằng đầu gối, dâng đũa chính tay điều hòa nước canh, vui vẻ dâng chén, nhất nhất đều tuân theo chí của người trước, tình lễ thực là đầy đủ cả". Hoàng đế giơ tay lên trán mà lạy tạ.[18]

Bà thường dạo chơi vườn Thường Mậu, lên lầu Ký Ân, xa có thể trông thấy ruộng tịch điền, dụ rằng: "Thánh Tổ Nhân hoàng đế (tức Minh Mạng) yêu quý, chú ý đến Hoàng đế (tức Thiệu Trị), khác hẳn những người con khác, Tổ mẫu già này biết rõ từ lâu. Năm trước Thánh tổ Nhân Hoàng đế dựng ra vườn này, vì sợ sự giàu sang dễ thành ra kiêu căng xa xỉ, không biết lo cho dân, thương nhà nông, cho nên dựng nhà phủ đệ cho Hoàng đế ở trước ruộng tịch điền, khiến cho Hoàng đế biết cấy gặt khó nhọc. Hoàng đế nên nghĩ kỹ về tiết kiệm, chớ xa xỉ về ăn uống, sửa sang cung điện nhà vườn để làm vui, thực không phải là chí của người trước."[18]

Mùa xuân năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), vua Thiệu Trị tuần du ra Bắc. Vua từng có ý muốn để Hoàng tử thứ hai là Hồng Nhậm lưu lại Kinh đô vì lo con trưởng Hồng Bảo không làm được việc. Song Thái hoàng thái hậu lại cho rằng tuy Hồng Bảo ít học, nhưng Hoàng trưởng tử lưu kinh đã là lệ cũ, hơn nữa bên cạnh vẫn có các đại thần giúp việc, cho nên không cần thay đổi. Vua không dám trái ý bà, cuối cùng để Hồng Bảo ở lại Kinh đô, đưa Hoàng tử thứ hai theo mình ra Bắc[20].

Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), Thái hoàng thái hậu đến chơi vườn Cơ Hạ. Hoàng đế Thiệu Trị quỳ đón ở cửa vườn, đi trước dẫn đường, theo sau là võng chở bà đi thưởng ngoạn. Khi coi ao Minh Giám, thấy cá làm sóng gợn, câu được nhiều cá tốt, bà lại dụ rằng: "Cá ở ao không lo chài lưới, đầm ruộng cũng chẳng hơn thế, đạo nhân quân làm chính trị, cốt nên thân người hiền xa kẻ gian, răn xa xỉ, chuộng tiết kiệm, Hoàng đế nên nhớ kỹ đấy."[21].

Đầu mùa hạ năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), vua cho đúc ấn vàng Từ Thọ cung bảo dâng lên cho bà để khi có công việc trong cung thì sử dụng[22].

Cũng trong năm đó, trong cung có việc tốt là "ngũ đại đồng đường". Chắt lớn nhất của bà, tức hoàng trưởng tử của vua Thiệu Trị là An Phong công Hồng Bảo sinh con đầu lòng đặt tên là Ưng Phúc. Ưng Phúc được ẵm vào hầu trong cung Từ Thọ và cho nuôi nấng ở trong cung[23]. Ngũ đại đồng đường vốn là việc hiếm thấy xưa nay, cho nên tháng 11 ngày Kỷ Mùi (tức 30 tháng 11 năm 1845), vua Thiệu Trị dâng kim sách tấn tôn bà là Thánh Tổ Mẫu Nhân Tuyên Từ Khánh Phúc Thọ Khang Ninh Thái Hoàng Thái Hậu (聖祖母仁宣慈慶福壽康寧太皇太后)[21].

Qua đời và hậu sự

sửa

Qua đời

sửa

Tháng 8 ngày 13 năm Thiệu Trị thứ 6[24] (tức 2 tháng 10 năm 1846), Thái hoàng thái hậu lâm bệnh nặng, qua giờ Dậu[24] ngày 18 tháng 9 âm lịch (tức ngày 6 tháng 11 dương lịch) thì qua đời, hưởng thọ 77 tuổi, quan tài để ở cung Từ Thọ [25]. Tháng 11 ngày 20 (tức 6 tháng 1 năm 1847), Hiến Tổ Thiệu Trị dâng tôn hiệu là Thuận Thiên Hưng Thánh Quang Dụ Hóa Cơ Nhân Tuyên Từ Khánh Đức Trạch Nguyên Công Cao Hoàng hậu (順天興聖光裕化基仁宣慈慶德澤元功高皇后)[25], gọi tắt là Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu (順天高皇后). Sách văn rằng:

Hậu sự

sửa

Lăng mộ của Thuận Thiên Cao Hoàng hậu nằm ở bên phải lăng Thiên Thọ, trên núi Thuận Sơn, huyện Hương Trà, gọi là lăng Thiên Thọ Hữu. Bên phải núi Thuận Sơn là núi Mỹ Sơn dựng điện Gia Thành để thờ cúng.

Cuối thời Minh Mạng, vua phái văn võ đại thần, Khâm thiên giám cùng thầy địa lý tìm đất tốt gần lăng Thiên Thọ, cuối cùng chọn được ngôi đất tốt ở Thuận Sơn, thích hợp làm phần mộ muôn năm lâu dài[27]. Vua cho rằng đất núi Thuận Sơn vừa gần với lăng Thiên Thọ mà lại ở về phía bên phải, theo lẽ đã thuận về tự nhiên; lại được cây tùng cây bách xanh tốt, núi sông ôm quanh, là một chỗ đất đặt mộ đẹp đẽ[28]. Sau này Cao Bá Quát cũng từng có chùm 7 bài thơ cảm thán vẻ đẹp của lăng Thiên Thọ Hữu, có tên là Cung nghĩ Gia Thành điện thiên hoa thiếp tử thất thủ (恭擬嘉成殿天花帖子七首).

Năm Thiệu Trị thứ 5, tháng 9 ngày Canh Tuất (tức 16 tháng 11 năm 1846), xây nhà lăng trên núi Thuận Sơn. Các công trình như huyền cung, bảo thành, lăng tẩm, nhà cửa được sửa sang. Công việc làm xong, dâng tên hiệu : lăng lấy tên là lăng Thiên Thọ Hữu, điện gọi là điện Gia Thành, cửa gọi là cửa Minh Ý[29].

Năm Thiệu Trị thứ 6, tháng 12, ngày 7 (tức 23 tháng 1 năm 1847), giờ Dần, Hoàng đế Thiệu Trị cùng các quan đến bàn thờ ở cung Từ Thọ làm lễ tổ điện. Giờ Tỵ, linh giá đến bến sông Kinh thành, lên thuyền rồi làm lễ điện ban trưa do hoàng tử, hoàng thân trong ban trực làm lễ[30]. Lễ xong, linh giá đi tiếp. Ngày hôm sau, linh giá đi qua lăng Cơ Thánh của Hưng tổ Hoàng đế. Ngày 9 (tức 25 tháng 1 năm 1847), làm lễ điện buổi sáng xong, rước linh giá lên bộ. Giờ Tý hạ huyệt[30]. Cùng ngày, thần chủ của bà được rước về cung Từ Thọ[31]. Khi rước linh giá đi từ cung Từ Thọ và lần đưa thần chủ trở về, nếu là đường bộ Hoàng đế Thiệu Trị đi võng theo sau, khi đi đường thủy thì đi thuyền ngự theo hộ vệ[30].

Năm Tự Đức thứ nhất, tháng 11 ngày Canh thìn (tức ngày 5 tháng 12 năm 1848), thần chủ của bà được rước về thờ ở Chánh án Thế Miếu, ở phía Tây thần chủ của Thế Tổ, thánh vị đặt tại gian giữa điện Phụng Tiên[32].

Hậu duệ

sửa

Thuận Thiên Cao hoàng hậu sinh được 4 người con trai:

  1. Nguyễn Phúc Đảm (阮福膽), tức Minh Mạng.
  2. Nguyễn Phúc Đài (阮福旲; (5 tháng 10 năm 1795 - 14 tháng 11 năm 1849) tên khác là Nguyễn Phúc Duệ (阮福曳), tôn hiệu là Kiến An Cung Thuận Vương (建安恭慎王).
  3. Hoàng tử tên Hiệu, mất sớm.
  4. Nguyễn Phúc Chẩn (阮福昣; 30 tháng 4 năm 1803 - 26 tháng 10 năm 1824), tên khác là Nguyễn Phúc Khuê (阮福晆), tôn hiệu là Thiệu Hóa Cung Lương Quận Vương (紹化恭良郡王).

Trong văn hóa đại chúng

sửa

Hình ảnh công cộng

sửa

Tại quê hương Văn Xá (nay thuộc phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) có đường Thuận Thiên được đặt theo thụy hiệu của bà.

Phim ảnh

sửa
Năm Tác Phẩm Diễn Viên Nhân Vật
2020 Phượng khấu NSƯT Lê Thiện Nhân Tuyên Thái Hoàng Thái Hậu

Chú thích

sửa

Ghi chú

sửa
  1. ^ Năm 1769 khi bà ra đời, huyện Hương Trà vẫn thuộc phủ Triệu Phong xứ Thuận Hóa. Đến thời Gia Long, huyện Hương Trà trở thành một phần của dinh Quảng Đức; thời Minh Mạng dinh Quảng Đức mới đổi tên thành phủ Thừa Thiên.
  2. ^ Được phong chức quan nhờ có cha ông là quan lại cấp cao.
  3. ^ Sách ngọc: chữ Hán là "dao biên" (瑤編), chỉ sách ghi chép việc trong nội cung (cung của các bà gọi là Dao Cung, sánh với cung của Tây Vương Mẫu trên núi Côn Luân).
  4. ^ Chữ Hán là "Đồng sử", tức sách sử của nữ quan ghi chép việc các hậu phi cung tần.
  5. ^ "Tư trai" là một bài thơ trong phần Đại nhã thuộc Kinh thi, nội dung ca ngợi đức tốt của bà Thái Nhậm, mẹ đẻ của Chu Văn Vương.
  6. ^ Một cung điện xây vào thời Hán Cao Đế, còn có tên cũ là cung Trường Tín. Sau khi con ông là Hán Huệ Đế nối ngôi, cung Trường Lạc trở thành nơi ở riêng của mẹ vua là Lã Thái hậu.
  7. ^ Khánh điển: dịp lễ mừng long trọng, ở đây chỉ Thánh thọ 70 tuổi của Thái hậu.
  8. ^ Ấn vàng Nhân Tuyên Từ Khánh Hoàng Thái Hậu chi bảo (仁宣慈慶皇太后之寶) đúc bằng vàng 8 tuổi rưỡi. Hiện thuộc quản lý của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
  9. ^ Nguyên văn là "dâng lời xưng tụng như núi" (獻如山之頌), tức là ngâm bài Thiên bảo trong phần Tiểu Nhã thuộc Kinh Thi để chúc thọ. Trong bài có câu chúc tụng trường thọ như núi Nam: Như Nam sơn chi thọ (如南山之壽)
  10. ^ Khuê: phòng nhỏ trong cung hoặc trong nhà. Khổn: cửa buồng. Khuê khổn là chốn đàn bà con gái ở, ở đây chỉ hậu cung do bà Thuận Thiên cai quản.
  11. ^ Chỉ vua Gia Long.
  12. ^ Chỉ vua Minh Mạng.
  13. ^ Ấn vàng Nhân Tuyên Từ Khánh Thái Hoàng Thái hậu chi bảo (仁宣慈慶太皇太后之寶) đúc bằng vàng 8 tuổi rưỡi. Hiện thuộc quản lý của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
  14. ^ Chỉ vợ của vua Hạ Vũ, người thuộc tộc Đồ Sơn thị, có công giúp Hạ Vũ dựng cơ đồ.
  15. ^ Nhắc lại chuyện năm xưa khi Thuận Thiên Cao Hoàng hậu mơ thấy thần trao cho cái ấn tỷ màu đỏ sáng rực, sau đó sinh ra vua Minh Mạng.
  16. ^ Giản Địch sinh ra Tiết, tổ nhà Thương.
  17. ^ Chỉ bà Thuận Thiên hưởng phúc qua ba đời vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị.

Chú thích

sửa
  1. ^ Nguyễn Phước tộc thế phả, trang 220
  2. ^ a b Thi Long (1998). Nhà Nguyễn chín Chúa mười ba Vua. Da Nang: Đà Nẵng Publishing House. pp. 85.
  3. ^ a b c d Đại Nam liệt truyện, tập 2 2006, tr. 42.
  4. ^ Đại Nam liệt truyện, tập 2 2006. Phần Trần Hưng Đạt. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục.
  5. ^ Đại Nam thực lục, tập 2 2006, tr. 127.
  6. ^ Đại Nam thực lục, tập 2 2006, tr. 384.
  7. ^ Quốc triều chính biên toát yếu 1972, tr. 57.
  8. ^ a b Đại Nam liệt truyện, tập 2 2006, tr. 43.
  9. ^ Nguyễn Phước tộc thế phả, trang 277
  10. ^ Nguyễn Phước tộc thế phả, trang 286
  11. ^ Đại Nam nhất thống chí, tập 2 2006, tr. 235.
  12. ^ Đại Nam liệt truyện, tập 2 2006, tr. 44.
  13. ^ a b c Đại Nam liệt truyện, tập 2 2006, tr. 48.
  14. ^ Đại Nam thực lục, tập 4 2006, tr. 977.
  15. ^ a b Đại Nam thực lục, tập 2 2006, tr. 474.
  16. ^ Đại Nam thực lục, tập 5 2006, tr. 201.
  17. ^ a b c Đại Nam liệt truyện, tập 2 2006, tr. 50.
  18. ^ a b c Đại Nam liệt truyện, tập 2 2006, tr. 52.
  19. ^ Đại Nam thực lục, tập 6 2006, tr. 204.
  20. ^ Đại Nam thực lục, tập 6 2006, tr. 289.
  21. ^ a b Đại Nam liệt truyện, tập 2 2006, tr. 53.
  22. ^ Đại Nam thực lục, tập 6 2006, tr. 728.
  23. ^ Đại Nam thực lục, tập 6 2006, tr. 782.
  24. ^ a b Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, quyển 8 1992, tr. 292.
  25. ^ a b Đại Nam liệt truyện, tập 2 2006, tr. 55.
  26. ^ Đại Nam thực lục, tập 6 2006, tr. 938.
  27. ^ Đại Nam thực lục, tập 5 2006, tr. 679.
  28. ^ Đại Nam thực lục, tập 5 2006, tr. 756.
  29. ^ Đại Nam thực lục, tập 6 2006, tr. 920.
  30. ^ a b c Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, quyển 8 1992, tr. 296.
  31. ^ Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, quyển 8 1992, tr. 297.
  32. ^ Đại Nam liệt truyện, tập 2 2006, tr. 57.

Tham khảo

sửa

Thư mục

sửa
  • Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, tập 2, Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục
  • Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, tập 3, Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục
  • Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, tập 4, Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục
  • Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, tập 5, Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục
  • Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, tập 6, Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục
  • Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, tập 2, Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục
  • Quốc sử quán triều Nguyễn (1972), Quốc triều chính biên toát yếu, Sài Gòn: Nhóm Nghiên cứu Sử Địa Việt Nam
  • Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc (1995), Nguyễn Phước tộc thế phả, Huế: Nhà xuất bản Thuận Hóa
  • Thi Long (1998), Nhà Nguyễn chín Chúa mười ba Vua, Đà Nẵng: Nhà xuất bản Đà Nẵng