[go: up one dir, main page]
More Web Proxy on the site http://driver.im/Bước tới nội dung

Thượng Phục Hưng

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Các bức bích họa trong Dãy phòng Raffaello của Điện Tông tòaVatican, do Giáo hoàng Giuliô II ủy nhiệm cho Raffaello và xưởng vẽ của ông thực hiện.
Sự tạo dựng Adam, một cảnh từ trần nhà nguyện Sistina của Michelangelo (khoảng 1508–1512), được ủy nhiệm bởi Giáo hoàng Giuliô II
Bữa tối cuối cùng, bức tranh tường của Leonardo da Vinci

Trong lịch sử nghệ thuật, Thượng Phục Hưng (tiếng Ý: Alto Rinascimento, tiếng Pháp: Haute Renaissance, tiếng Anh: High Renaissance) hay thời kỳ Phục Hưng đỉnh cao là giai đoạn ngắn ngủi mà trong đó sản sinh ra một lượng đồ sộ những kiệt tác nghệ thuật ngoạn mục ở các thành bang của Ý, đặc biệt là tại Roma, thủ đô của Vương quốc Giáo hoàng và ở Firenze, cái nôi khai sinh của nền Phục hưng Ý. Hầu hết các nhà sử học nghệ thuật đều cho rằng thời kỳ hoàng kim này bắt đầu vào khoảng năm 1495 hoặc 1500 và kết thúc vào năm 1520 với cái chết bất ngờ của Raffaello, mặc dù một số khác nói rằng Thượng Phục Hưng chấm dứt vào khoảng năm 1525, hoặc vào năm 1527 với sự kiện Cướp phá thành Roma do quân đội Karl V của Thánh chế La Mã, hoặc khoảng năm 1530 (xem phần tiếp theo để biết luận điểm cụ thể của các nhà sử học nghệ thuật). Những vị đại nghệ sĩ nổi tiếng nhất về hội họa, điêu khắc và kiến trúc của thời Phục Hưng đỉnh cao bao gồm Leonardo da Vinci, MichelangeloRaffaello, và Bramante. Trong những năm gần đây, việc sử dụng thuật ngữ này thường xuyên bị một số sử gia nghệ thuật hàn lâm chỉ trích vì đơn giản hóa quá trình phát triển nghệ thuật, bỏ qua bối cảnh lịch sử và chỉ tập trung vào một số tác phẩm mang tính biểu tượng.[1]

Nguồn gốc thuật ngữ

[sửa | sửa mã nguồn]

Thuật ngữ Thượng Phục Hưng lần đầu tiên được sử dụng bởi Jacob Burckhardt trong tiếng Đức (Hochrenaissance) vào năm 1855 và có nguồn gốc từ "Phong cách đỉnh cao" của hội họa và điêu khắc trong khoảng thời gian đầu thế kỷ 16 được Johann Joachim Winckelmann mô tả vào năm 1764. Mở rộng tiêu chuẩn đánh giá chung của văn hóa Phục Hưng, nghệ thuật thị giác của thời Thượng Phục Hưng được đánh dấu bằng những dấu ấn mới vào truyền thống cổ điển, sự mở rộng của mạng lưới bảo trợ và sự suy giảm dần các hình thức tượng hình mà về sau trở thành phong cách được gọi là Trường phái kiểu cách.

Khoảng thời gian

[sửa | sửa mã nguồn]

Alexander Raunch trong Nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng đỉnh cao và Trường phái kiểu cách tại Roma và Trung Ý, 2007,[2] cho biết Thượng Phục Hưng bắt đầu vào năm 1490, trong khi Marilyn Stokstad trong Lịch sử nghệ thuật, 2008, nói rằng nó bắt đầu trong thập niên 1490.[3] Frederick Hartt nói rằng Bữa tối cuối cùng của Leonardo, bức tranh bắt đầu vào năm 1495 và kết thúc vào năm 1498, tạo ra dấu ấn bức phá đoạn tuyệt hoàn toàn với thời kỳ Sơ Phục Hưng và mở ra một thế giới mới mà Michelangelo và Raffaello tích cực sáng tạo,[4] trong khi Christoph Luitpold Frommel, đã viết trong bài báo "Bramante và nguồn gốc của thời kỳ Thượng Phục Hưng" năm 2012 của ông rằng Bữa ăn tối cuối cùng là tác phẩm đầu tiên của thời kỳ Phục Hưng đỉnh cao nhưng lại nói thêm rằng thời kỳ hoàng kim tột độ của Thượng Phục Hưng thực sự là từ 1505 đến 1513.[5] David Piper trong Minh họa lịch sử nghệ thuật năm 1991, cũng trích dẫn Bữa tối cuối cùng là bản tuyên ngôn mở ra thời kỳ Thượng Phục Hưng và là một trong những bức tranh có ảnh hưởng nhất của thời kỳ này, nhưng sau đó lại hơi mâu thuẫn khi ông khẳng định rằng Thượng Phục Hưng bắt đầu ngay sau 1500.[6] Burchkardt đã nhấn mạnh rằng Thượng Phục Hưng bắt đầu vào cuối thế kỷ 15,[7] trong khi Franz Kugler, người đã viết văn bản khảo sát "hiện đại" đầu tiên, Sổ tay Lịch sử Nghệ thuật vào năm 1841, và Hugh Honor và John Fleming trong Nghệ thuật Thị giác: Một lịch sử, năm 2009, cho biết thời kỳ Phục Hưng đỉnh cao bắt đầu vào đầu thế kỷ 16.[8][9] Một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng khác được tạo ra trong giai đoạn 1495–1500 là Đức Mẹ sầu bi của Michelangelo, được đặt tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Thành Vatican, được thực hiện vào năm 1498–99.

Trái ngược với hầu hết các nhà sử học nghệ thuật khác, Manfred Wurdram, trong Kiệt tác nghệ thuật phương Tây, 2007, thực sự nói rằng buổi bình minh của Thượng Phục Hưng đã được dự báo trước bởi tác phẩm Sự kính ngưỡng của các đạo sĩ từ phương Đông năm 1481 của Leonardo, bấy giờ chỉ mới hoàn thành lớp sơn lót nền.[10]

Liên quan đến sự kết thúc của thời kỳ Thượng Phục Hưng, Hartt, Frommel, Piper, Wundrum và Winkelman đều tuyên bố rằng thời kỳ Phục Hưng đỉnh cao đã chấm dứt vào năm 1520 với cái chết của Raffaello. Honor và Fleming tuyên bố Thượng Phục Hưng là phần tư đầu tiên của thế kỷ 16, nghĩa là nó sẽ kết thúc vào năm 1525. Ngược lại, Luigi Lanzi, trong cuốn Lịch sử hội họa Ý, 1795–96 của mình, đã nói rằng nó kết thúc với cuộc Cướp phá thành Roma vào năm 1527,[11] khi một số nghệ sĩ bị giết và nhiều người khác phải tháo chạy tứ tán khỏi Roma, và Stokstad cũng đồng ý với cách nhìn nhận này. Raunch thì khẳng định rằng năm 1530 đã được coi là sự chấm hết của thời kỳ Phục Hưng đỉnh cao. Hartt cho biết thêm rằng năm 1520 đến năm 1530 là thời kỳ chuyển tiếp giữa Thượng Phục Hưng và Trường phái kiểu cách. Theo truyền thống, sự kết thúc của Thượng Phục Hưng tại Florence được coi là đánh dấu chấm dứt của nền Cộng hòa Firenze và sự khởi đầu của Công quốc Firenze vào năm 1532.

Kiến trúc

[sửa | sửa mã nguồn]
Đền Tempietto do Bramante thiết kế 1502, ở nhà thờ Thánh Phêrô tại Montorio, Roma

Phong cách kiến trúc thời kỳ Phục Hưng đỉnh cao, thường gắn liền với Donato Bramante, người thiết kế ngôi đền Tempietto trong nhà thờ Thánh Phêrô tại Montorio trên ngọn đồi Janiculum ở Roma, bắt đầu vào năm 1510. Tempietto biểu thị sự hồi sinh toàn diện của việc phục dựng kiến trúc La Mã cổ đại. Nhà sử học kiến trúc David Watkin đã nhận định về Tempietto rằng giống như các tác phẩm của Raffaello ở Vatican (1509–11), ngôi đền này "là một nỗ lực để dung hòa những lý tưởng của Kitô giáo và chủ nghĩa nhân văn".[12]

Hội họa

[sửa | sửa mã nguồn]

Các bức vẽ của thời kỳ Thượng Phục Hưng là đỉnh cao của sự đa dạng về phương cách biểu lộ diễn đạt[13] và nhiều tiến bộ trong kỹ thuật vẽ, như phối cảnh tuyến tính,[14] các cách tả thực về cả phương diện vật chất[15] và tính năng tâm lý,[16] cũng như kỹ xảo điều phối ánh sáng và bóng tối bao gồm cả tương phản về tông màu, kỹ năng sfumato (làm mềm sự chuyển dịch giữa các màu sắc) và thuật chiaroscuro (sử dụng thuật tương phản để phối hợp sáng và tối),[17] trong một phong cách duy nhất[18] tạo nên tổng thể các thành phần trong một thể trật tự, cân bằng và hòa hợp.[19] Cụ thể, từng phần mảng riêng biệt của bức tranh có sự phức tạp nhưng cân bằng và tạo nên một mối quan hệ đan kết khăng khít với tổng thể toàn cảnh.[20]

Nàng Mona Lisa hoặc La Gioconda của Leonardo da Vinci (1503–05/07) trong bảo tàng Louvre tại Paris.

Hội họa thời kỳ Thượng Phục Hưng được coi là đỉnh cao tuyệt đối của hội họa phương Tây[21] và đạt được sự cân bằng và hoàn mỹ, hài hòa giữa các điểm vẽ mâu thuẫn và dường như đối chọi lẫn nhau, chẳng hạn như thực tế so với lý tưởng, chuyển động so với tĩnh yên, tự do so với luật lệ, không gian so với mặt phẳng, và đường thẳng so với màu sắc.[22] Thời kỳ Thượng Phục Hưng theo truyền thống được xem như một sự bùng nổ lớn của thiên tài sáng tạo, theo mô hình lịch sử nghệ thuật do Giorgio Vasari người Firenze đề xuất đầu tiên.

Các bức tranh ở Vatican của MichelangeloRaffaello được một số học giả như Stephen Freedberg cho rằng là những đại diện cho đỉnh cao của phong cách Thượng Phục Hưng trong hội họa, vì quy mô đầy tham vọng của những tác phẩm này, cùng với sự phức tạp trong bố cục của chúng, những hình người được quan sát chặt chẽ, cũng như các tham chiếu biểu tượng điểm xuyết và trang trí liên quan đến thời cổ đại cổ điển Hy-La, có thể được coi là biểu tượng của thời Thượng Phục Hưng.[23]

Ngay cả những họa sĩ có danh tiếng tương đối thấp hơn trong thời kỳ này, chẳng hạn như Fra Bartolomeo và Mariotto Albertinelli, đã tạo ra những tác phẩm vẫn được ca ngợi vì sự hài hòa giữa thiết kế và kỹ thuật của họ. Tỷ lệ kéo dài và tư thế phóng đại trong các tác phẩm sau của Michelangelo, Andrea del SartoCorreggio đã định hình nên trước cái gọi là Trường phái kiểu cách, như phong cách của thời kỳ Phục Hưng sau này được nhắc đến trong lịch sử nghệ thuật.

Mẫu thức thanh thản và màu sắc tươi sáng trong các bức tranh của GiorgioneTiziano thời kỳ đầu thể hiện phong cách Thượng Phục Hưng được thực hiện tại Venezia. Các tác phẩm dễ nhận biết khác của thời kỳ này bao gồm Mona Lisa của Leonardo da VinciTrường Athena của Raffaello. Bích họa này của Raffaello được đặt bên dưới một mái vòm bán nguyệt, là một tác phẩm điêu luyện về phối cảnh, bố cục và cách nhìn.

Trong những năm gần đây, các nhà sử học nghệ thuật đã mô tả thời kỳ Thượng Phục Hưng là một phong trào chống lại thời đại đương thời, một trong số nhiều thái độ thử nghiệm khác nhau đối với nghệ thuật vào cuối thế kỷ 15 và đầu thế kỷ 16. Phong trào này có nhiều đặc điểm khác nhau như bảo thủ,[24] phản ánh thái độ mới đối với cái đẹp,[25] là một quá trình có chủ ý tổng hợp các mô hình chiết trung, liên kết với thời trang trong văn hóa văn học,[26] và phản ánh mối bận tâm mới về việc giải thích và ý nghĩa.[27]

Đức Mẹ sầu bi của Michelangelo, 1498–99.

Điêu khắc

[sửa | sửa mã nguồn]

Điêu khắc thời kỳ Thượng Phục Hưng, như Đức Mẹ sầu bi và tôn tượng David của Michelangelo, được đặc trưng bởi sự cân bằng "lý tưởng" giữa sự tĩnh lặng và chuyển động. Các tác phẩm điêu khắc thời Phục Hưng đỉnh cao thường được công chúng và chính quyền đặt làm, điều này trở nên phổ biến hơn vì tác phẩm điêu khắc là một hình thức nghệ thuật đắt tiền. Tác phẩm điêu khắc thường được sử dụng để trang trí hoặc tôn tạo kiến trúc, thường là trong những khoảng sân nơi những người khác có thể nghiên cứu và chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật đã được đặt làm. Những cá nhân giàu có như các vị hồng y, tầng lớp cai trị và quý tộc, những chủ ngân hàng cùng với những gia đình tài phiệt rất giàu có thường là những người bảo trợ tư nhân; Giáo hoàng Giuliô II cũng bảo trợ cho rất nhiều nghệ sĩ. Trong thời kỳ Phục Hưng đỉnh cao, đã có sự phát triển của các bức tượng nhỏ dành cho những người bảo trợ tư nhân, việc tạo ra các bức tượng bán thân và lăng mộ cũng khá phát triển. Chủ đề liên quan đến điêu khắc chủ yếu là nhân vật Kitô giáo nhưng cũng có một số lượng đáng kể các tôn tượng cổ điển trong các hình thức điêu khắc lăng mộ và các bức tranh cũng như trên trần của các nhà thờ lớn.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Marcia Hall, “Classicism, Mannerism and the relflike Style” in The Cambridge Companion to Raphael, Cambridge: Cambridge University Press, p. 224.
  2. ^ Alexander Raunch "Painting of the High Renaissance and Mannerism in Rome and Central Italy" in The Italian Renaissance: Architecture, Sculpture, Painting, Drawing, Konemann, Cologne, 1995. Pg. 308
  3. ^ Marilyn Stokstad Art History, Third Edition, Pearson Education Inc., New Jersey, 2008, Pg 659.
  4. ^ Frederick Hartt, A History of Art: Painting, Sculpture, Architecture; Harry N. Abrams Incorporated, New York, 1985, pg. 601
  5. ^ Christoph Luitpold Frommel, "Bramante and the Origins of the High Renaissance" in Rethinking the High Renaissance: The Culture of the Visual Arts in Early Sixteenth-Century Rome, Jill Burke, ed. Ashgate Publishing, Oxan, UK, 2002, pg. 172.
  6. ^ David Piper, The Illustrated History of Art, Crescent Books, New York, 1991, pg. 129
  7. ^ Jacob Burchhardt, Cinerone 1841.
  8. ^ Franz Kugler Handbook of Art History 1841; Franz Kugler Handbook of Art History 1841.
  9. ^ Hugh Honour and John Flemming,The Visual Arts: A History, 7th edition, Laurence King Publishing Ltd., Great Britain, 2009, pg. 466
  10. ^ Mandred Wundrum, "Renaissance and Mannerism" in Masterpieces of Western Art, Tashen, 2007.
  11. ^ Luigi Lanzi,History of Italian Painting, 1795-96.
  12. ^ D. Watkin, A History of Western Architecture, 4th ed., Watson Guptill (2005) p. 224.
  13. ^ Manfred Wundrum "Renaissance and Mannerism" in Masterpieces of Western Art, Tashen, 2007. Page 147
  14. ^ Alexander Raunch "Painting of the High Renaissance and Mannerism in Rome and Central Italy" in The Italian Renaissance: Architecture, Sculpture, Painting, Drawing, Konemann, Cologne, 1995. Pg. 308; Wundrum Pg. 147
  15. ^ Frederick Hartt and David G. Wilkins, History of Italian Art: Painting, Sculpture, Architecture, 2003.
  16. ^ Raunch pg. 309
  17. ^ Wundrum pg. 148; Hartt and Wilkins
  18. ^ Wundrum pg. 147; Hartt and Wilkins
  19. ^ Frederick Hartt, A History of Art: Painting, Sculpture, Architecture; Harry N. Abrams Incorporated, New York, 1985, pg. 601; Wundrum pg. 147; Marilyn Stokstad Art History, Third Edition, Pearson Education Inc., New Jersey, 2008. Pg 659
  20. ^ Stokstad, Pg. 659
  21. ^ Wundrum pg. 145
  22. ^ Wundrum pg. 147
  23. ^ Stephen Freedberg, _Painting of the High Renaissance in Rome and Florence, 2 vols., Cambridge MA; Harvard University Press
  24. ^ Alexander Nagel, "Experiments in Art and Reform in Italy in the Early Sixteenth Century", in Kenneth Gouwens and Sheryl E. Reiss eds., The Pontificate of Clement VII: History, Politics, Culture, Ashgate 2005, 385–409
  25. ^ Elizabeth Cropper, "The Place of Beauty in the High Renaissance and its Displacement in the History of Art", in Alvin Vos ed., Place and Displacement in the Renaissance, 1995, 159–205
  26. ^ David Hemsoll, 'The conception and design of Michelangelo's Sistine Chapel ceiling: 'wishing to shed a little light upon the whole rather than mentioning the parts', in Jill Burke ed., Rethinking the High Renaissance, Ashgate, 2012
  27. ^ Jill Burke, 'Meaning and Crisis in the Early Sixteenth Century: Interpreting Leonardo's Lion', Oxford Art Journal, 29, 2006, 77–91